Nhiều doanh nghiệp vận tải lo ngại rằng quy định giới hạn giờ lái xe có thể làm giảm khả năng cung ứng dịch vụ, kéo theo chi phí logistics và giá cước vận tải gia tăng.
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tài xế sẽ bị giới hạn thời gian lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và tối đa 4 giờ liên tục. Đồng thời, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể về các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm, bao gồm việc trừ điểm và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe, thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp và tài xế.
Mặc dù mục tiêu của các quy định này là tăng cường an toàn giao thông và bảo vệ sức khỏe người lao động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tế vận hành của ngành vận tải đường bộ.
Trước những lo ngại từ doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhấn mạnh rằng hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cùng tình trạng ùn tắc kéo dài tại các đô thị lớn và tuyến quốc lộ chính khiến tài xế gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định về giới hạn giờ lái xe.
Không chỉ đối mặt với tình trạng kẹt xe, các doanh nghiệp vận tải còn gặp rào cản lớn do hạ tầng chưa hoàn thiện. Trên nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam, hệ thống trạm dừng nghỉ còn thiếu, khiến tài xế không thể sắp xếp thời gian nghỉ theo đúng quy định. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình – công cụ được kỳ vọng hỗ trợ quản lý – lại thường xuyên gặp lỗi, cung cấp dữ liệu không chính xác, làm tăng thêm áp lực cho cả tài xế và doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng việc giới hạn thời gian lái xe không chỉ kéo dài thời gian vận chuyển, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp vận tải mà còn tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất, khi hàng hóa không được giao đúng tiến độ.
Trước những bất cập trên, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam kiến nghị điều chỉnh quy định về thời gian lái xe, đề xuất nâng giới hạn từ 48 giờ lên 60 giờ mỗi tuần, đồng thời linh hoạt hơn trong quy định về thời gian lái xe liên tục để phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính để nâng cao hiệu quả giám sát và hỗ trợ tài xế.
Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam, nhằm giảm áp lực giao thông, hạn chế ùn tắc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tài xế trong việc tuân thủ quy định. Việc xây dựng thêm các trạm dừng nghỉ tiêu chuẩn trên những tuyến huyết mạch cũng là một giải pháp dài hạn giúp đảm bảo an toàn giao thông mà không làm gián đoạn hoạt động vận tải, từ đó giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả kinh doanh.
Liên quan đến những vướng mắc trong quy định mới, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) đã có công văn số 20200101/HH gửi Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phản ánh những bất cập khi thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Nghị định 168/2024/NĐ-CP và Thông tư 79/2024/TT-BCA.
Theo HNLA, Khoản 1 Điều 64 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định tài xế không được lái quá 10 giờ/ngày, 48 giờ/tuần, không quá 4 giờ liên tục và phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổng số giờ lái xe hiện nay trung bình khoảng 60-65 giờ/tuần đối với tuyến vận tải ngắn (dưới 300 km) và trên 65 giờ/tuần đối với tuyến vận tải dài (trên 300 km).
Như vậy, nếu áp dụng theo quy định mới, thời gian làm việc của tài xế sẽ bị cắt giảm từ 20-30% đối với vận tải đường ngắn và trên 30% đối với vận tải đường dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác phương tiện và năng suất vận tải của doanh nghiệp.
Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) cho rằng quy định giới hạn giờ lái xe không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế, khi mức lương có thể giảm 20-30% do rút ngắn thời gian làm việc, mà còn làm suy giảm 20-30% năng lực cung ứng dịch vụ của ngành vận tải đường bộ. Điều này kéo theo giá cước vận tải tăng khoảng 20-25%, khiến chi phí logistics quốc gia đội thêm 10-11%, tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, HNLA chỉ ra rằng mức trần 48 giờ/tuần theo quy định mới là thấp hơn so với nhiều quốc gia có ngành vận tải phát triển như Mỹ, EU hay Nhật Bản. Trong khi đó, với hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế như hiện nay, việc áp dụng thời gian làm việc quá thấp sẽ dẫn đến lãng phí lớn trong khai thác phương tiện, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp và người dân.
Do đó, HNLA kiến nghị nâng giới hạn giờ làm việc của tài xế lên 65 giờ/tuần, tương đương với mức cao nhất đang được áp dụng tại các nền kinh tế phát triển, nhằm đảm bảo hoạt động vận tải không bị gián đoạn và giúp doanh nghiệp duy trì năng lực cạnh tranh.
Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) đã đưa ra một số kiến nghị nhằm điều chỉnh cách thức áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP để phù hợp hơn với thực tế vận hành của ngành vận tải đường bộ.
Thứ hai, HNLA đề xuất chỉ xử phạt vi phạm liên quan đến thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và trong tuần khi tài xế vượt quá 10% so với quy định. Điều này nhằm tránh việc áp dụng các mức phạt quá cứng nhắc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải.
Thứ ba, hiệp hội kiến nghị tính thời gian lái xe theo tốc độ tối thiểu 15 km/giờ để loại trừ những trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài – một tình trạng phổ biến ở các đô thị lớn và trên hệ thống đường bộ Việt Nam. Đây được xem là yếu tố bất khả kháng, cần được miễn trừ trách nhiệm để đảm bảo tính công bằng trong thực thi quy định.
Thứ tư, HNLA đề nghị chưa áp dụng xử phạt ngay đối với lái xe và doanh nghiệp mà nên có giai đoạn đánh giá thực tế trước khi điều chỉnh khung thời gian làm việc của tài xế sao cho phù hợp hơn với điều kiện vận tải trong nước.
Hiệp hội Logistics Hà Nội khẳng định cộng đồng doanh nghiệp vận tải hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, Nghị định 168/2024/NĐ-CP lại đưa ra các mức phạt bị cho là quá cao so với thu nhập của tài xế, gây tâm lý lo ngại và có thể khiến nhiều người rời bỏ nghề, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lái xe trong thời gian tới.
Ngoài ra, một điểm bất cập khác là nhiều hành vi vi phạm của tài xế lại dẫn đến hình phạt đối với doanh nghiệp sở hữu phương tiện. Theo HNLA, cách áp dụng này là chưa hợp lý vì có sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm giữa tài xế và doanh nghiệp vận tải. Do đó, hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét lại phương thức áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của ngành vận tải Việt Nam.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/gioi-han-gio-lai-xe-doanh-nghiep-lo-chi-phi-logistics-tang-10149161.html
Có thể bạn quan tâm:
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬