Phát triển logistics để khơi thông dòng chảy hàng hóa

26.01.2025

Nằm trên hành lang kinh tế chiến lược Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống logistics. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy thương mại biên giới giữa Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) mà còn góp phần tăng cường giao thương giữa hai quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực.

Tỉnh Lào Cai đóng vai trò là cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối thị trường ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Với vị trí trung tâm trong hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), tỉnh sở hữu nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu. Hạ tầng giao thông cùng các dịch vụ hỗ trợ xuất - nhập khẩu tại đây đang ngày càng được nâng cấp đồng bộ, phục vụ hiệu quả cho gần 700 doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên giao thương qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.

Dù vậy, hạ tầng logistics tại Lào Cai vẫn còn hạn chế, khiến chi phí vận tải hàng hóa trên hành lang kinh tế này cao hơn so với kỳ vọng, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực.

Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai tính toán rằng, mức giá vận tải hàng hóa Lào Cai - Hải Phòng ở thời điểm hiện tại đang ở mức khoảng 15 - 17 triệu đồng/container (tương đương 400 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô); tuyến Côn Minh - Hà Khẩu khoảng 16 - 21 triệu đồng/container (tương đương khoảng 530 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô). Do đó, giá cước vận tải hàng hóa tính từ Côn Minh đến Hải Phòng ước tính trung bình 930 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô. Ngoài ra, do chi phí logistics cũng không ổn định, các thời điểm khác nhau trong năm cũng có chênh lệch lớn… nên ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của hoạt động giao thương hàng hóa toàn tuyến. 

Là một doanh nghiệp hoạt động với nhiều mô hình logistics tại các cửa khẩu ở tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Việt Nam Logistics, cho biết: Chi phí logistics qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai cao hơn so với các tỉnh khác. Về hạ tầng và kho bãi, các cửa khẩu khác (Tân Thanh - Lạng Sơn; Móng Cái - Quảng Ninh) có nhiều kho bãi chuyên dụng với hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sang tải và bốc xếp hàng hóa. Trong khi đó, tại cửa khẩu Lào Cai, việc sang tải hàng hóa (nông sản) chủ yếu được thực hiện theo hình thức bốc xếp thủ công, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc và thiết bị.

"Chẳng hạn, chúng tôi nhập khẩu các thiết bị nặng từ 50 đến 70 tấn, nhưng các kho bãi ở tỉnh Lào Cai vẫn chưa có máy móc chuyên dụng để thực hiện việc sang tải những thiết bị này. Hơn nữa, các kho bãi tại Lào Cai cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu chuyển container giữa các xe đầu kéo từ Trung Quốc và Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển," ông Vượng cho biết thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Quế, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Việt Trung, đã chia sẻ rằng dịch vụ logistics, bao gồm kho bãi tại tỉnh Lào Cai, vẫn chưa được đầu tư một cách bài bản như ở một số khu vực khác và hiện chỉ dừng lại ở mức quy hoạch. Chúng tôi rất mong muốn đầu tư vào hệ thống kho bãi và trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho hoạt động xuất - nhập khẩu và giao thương, nhưng vẫn còn do dự vì chính sách xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên. 

Lấy ví dụ về việc thông quan hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Quế nhận định rằng thương mại điện tử hiện nay là một xu hướng không thể tránh khỏi và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, các sản phẩm thuộc hình thức thương mại này hiện chưa thể thông quan qua cửa khẩu Lào Cai, do đó doanh nghiệp không dám đầu tư vào hạ tầng hiện đại. Nếu có thể giải quyết được vấn đề này về thương mại điện tử xuyên biên giới, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam cũng như Trung Quốc sẵn sàng đầu tư và phát triển hạ tầng logistics tại Lào Cai. 

Ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Việt Nam Logistics, lại cho rằng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để phát triển logistics. Do đó, tỉnh Lào Cai cần hợp tác với các cơ quan liên quan để thúc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng (khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm); đẩy nhanh việc xây dựng Cảng hàng không Sa Pa; nâng cấp tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cải thiện hạ tầng giao thông khu vực kinh tế cửa khẩu nhằm nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi và đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, từ đó phát triển logistics và thúc đẩy thương mại biên giới.

Nguồn: https://baolaocai.vn/phat-trien-logistics-de-khoi-thong-dong-chay-hang-hoa-post395736.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS