Việt Nam sẽ thiếu trên 200.000 nhân lực logistics tới năm 2030

27.10.2023

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết Việt Nam sẽ thiếu hơn 200 000 nhân lực ngành logistics tính tới năm 2030.

Ngành logistics của Việt Nam hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất cả nước, bình quân tốc độ tăng trưởng từ 14 – 16% quy mô 40 – 42 tỷ USD/năm.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành Logistics sẽ hướng đến tỉ trọng đóng góp đạt 8 – 10% vào GDP, tốc độ tăng trưởng từ 15 – 20%, chi phí logistics sẽ ở mức 16 – 20% GDP

Hiện nhu cầu về các dịch vụ logistics như cảng, kho bãi, giao nhận hàng hóa đang ngày càng tăng, vì thế lĩnh vực này cũng đang có nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là đáp ứng xu hướng số hóa. 

Theo ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) cho biết việc phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược đột phá để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Australia đang hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là về xây dựng mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt trong giáo dục nghề nghiệp.

Mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo

Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (BLĐTBXH) cho biết, hiện Việt Nam đang mất cân đối về các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, đặc biệt là những ngành yêu cầu nhân lực có kỹ năng như Logistics hoặc mới đây là bán dẫn, xuất phát từ các doanh nghiệp FDI về bán dẫn có định hướng đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng hiện tại lĩnh vực bán dẫn còn mới mẻ với nước ta, chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng số lượng hạn chế. Điều này dẫn đến việc mất cân đối về cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

Cùng cảnh ngộ, ngành Logistics của Việt Nam cũng chỉ có một số trường đào tạo với số lượng ít

“Cứ một người đi học đại học thì có khoảng 0,42 người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tức là cơ cấu đang bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, dẫn đến một số lĩnh vực, ngành, cấp trình độ đang thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao trong các ngành sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế lại đang thiếu trầm trọng”, ông Độ thông tin.

Còn theo ông Đỗ Đức Lợi – Trưởng ban tuyển sinh của Trường cao đẳng Hàng Hải I đánh giá, hiện phụ huynh và học sinh vẫn chưa thực sự hiểu ngành logistics cụ thể về cái gì. 

"Ví dụ với các ngành công nghệ ôtô, sửa chữa ôtô, điện tử... nhắc đến tên ngành, người dân đã hiểu ngay ngành này là làm gì. Nhưng ngành Logistics ở Việt Nam vẫn là mô hình mới mẻ; trong khi nhu cầu nhân lực dành cho ngành này càng ngày càng cao" - ông Lợi cho biết.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/nam-2030-viet-nam-thieu-hon-200000-nhan-luc-logistics-1258899.ldo

>> Đọc thêm: Bản tin logistics hàng không số 32 (Mới nhất)

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS