Theo dự báo mới nhất của Boeing, các lô hàng chuyển phát nhanh sẽ chiếm 1/4 tổng hoạt động vận tải hàng không vào năm 2043 khi tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử vượt xa hàng hóa thông thường. Dự kiến, đội bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu sẽ tăng thêm 2/3 để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng.
Bất chấp sự phổ biến rộng rãi của các chuyến bay quốc tế bằng máy bay thân rộng với không gian chở hàng lớn, nhu cầu đối với máy bay chở hàng được sản xuất tại nhà máy và máy bay chuyển đổi từ chở khách sang chở hàng vẫn tăng cao. Nguyên nhân là các máy bay chở hàng chuyên dụng mang lại sự linh hoạt và độ tin cậy về lịch trình cao hơn, theo báo cáo Dự báo Vận tải Hàng hóa Hàng không Thế giới mà Boeing công bố vào tháng trước.
Theo phân tích của Boeing, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc và nhu cầu ngày càng lớn từ thương mại điện tử sẽ thúc đẩy khối lượng vận tải hàng không tăng trưởng với tốc độ 4% mỗi năm. Và lưu lượng hàng hóa bằng đường hàng không dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Trong hai thập kỷ qua, ngành vận tải hàng không chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 2,6% mỗi năm.
Việc vận chuyển các đơn hàng trực tuyến từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C), đặc biệt tăng tốc từ giữa năm 2023 khi các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đẩy mạnh dịch vụ giao hàng trực tiếp đã trở thành yếu tố thay đổi cục diện của ngành vận tải hàng không. Theo eMarketer, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, đạt hơn 6 nghìn tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng khoảng 9% mỗi năm, với tốc độ nhanh nhất tại các thị trường mới nổi ở Nam Á và Đông Nam Á. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của vận tải hàng không trong hai thập kỷ tới.
Boeing dự báo các hãng vận chuyển nhanh – vốn đáp ứng yêu cầu tốc độ cao của thương mại điện tử – sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 5,8% mỗi năm, cao hơn đáng kể so với mức 3,6% của hàng hóa thông thường, tương ứng chênh lệch 33%. Hàng hóa thông thường thường được định nghĩa là các lô hàng lớn, cồng kềnh và chủ yếu được đặt qua các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL).
Với vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi phân phối thương mại điện tử, các hãng vận tải nhanh dự kiến sẽ xử lý 25% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trong vòng 20 năm tới, tăng từ mức 18% thị phần hiện tại.
Bên cạnh đó, nhiều xu hướng lớn cũng đang tạo thuận lợi cho các công ty vận tải hàng không và các nhà sản xuất máy bay. Dự báo của Boeing dựa trên giả định GDP toàn cầu và tăng trưởng thương mại sẽ đạt mức lần lượt 2,6% và 2,9% mỗi năm.
Ngành logistics hàng không cũng được thúc đẩy nhờ sự phát triển của chuỗi cung ứng đa nút. Khi các nhà sản xuất chuyển dịch nhà máy tại châu Á và nhiều khu vực khác để đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc và giảm tác động từ thuế quan, họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào vận tải hàng không để đảm bảo kết nối kịp thời giữa các giai đoạn trong quá trình sản xuất.
Ví dụ, cách đây 5 năm, 37% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ châu Á đến Mỹ đến từ các thị trường ngoài Trung Quốc. Hiện nay, khoảng một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu từ châu Á sang Mỹ có nguồn gốc từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Theo Boeing, khu vực Đông và Nam Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lưu lượng hàng không cao nhất mỗi năm, nhờ vào sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Riêng thị trường vận tải hàng không nội địa của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gần gấp 4 lần nhờ vào sự phát triển của các mạng lưới chuyển phát nhanh và thương mại điện tử.
“Điều tuyệt vời của vận tải hàng không là máy bay có thể được tái bố trí một cách linh hoạt. Khi chuỗi cung ứng thay đổi, các mạng lưới vận tải hàng không và máy bay chở hàng cũng có thể điều chỉnh để vận chuyển hàng hóa qua các chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị thương mại của Boeing chia sẻ trong sự kiện công bố báo cáo tại triển lãm của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Hàng không Quốc tế (TIACA) vào tháng trước.
Boeing ước tính, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao sẽ khiến đội bay vận tải hàng không toàn cầu tăng lên 3.900 chiếc vào năm 2043, so với 2.340 chiếc vào năm 2023. Số lượng máy bay chuyên chở hàng hóa thân rộng cỡ lớn sẽ gần như tăng gấp đôi, vượt mức tăng trưởng 75% so với dự báo trước đó của Boeing cách đây hai năm. Gần một nửa số máy bay chở hàng được giao trong 20 năm tới sẽ được sử dụng để thay thế các máy bay cũ, kém hiệu quả hơn.
Hiện có khoảng 600 đến 650 máy bay chở hàng cỡ lớn với tải trọng từ 80 tấn trở lên đang hoạt động trên toàn cầu. Ông Darren Hulst cho biết, gần một nửa số máy bay này sẽ đến tuổi nghỉ hưu trong vòng ba đến năm năm tới.
Theo Boeing, các nhà sản xuất máy bay sẽ giao tổng cộng 2.845 chiếc máy bay chở hàng trong hai thập kỷ tới, trong đó 70% sẽ là các máy bay chở khách được chuyển đổi thành máy bay chở hàng. Trong số này, dòng máy bay tiêu chuẩn – phù hợp cho các tuyến vận tải ngắn và mạng lưới chuyển phát nhanh khu vực – sẽ chiếm số lượng lớn nhất với 1.250 chiếc. Các máy bay chở hàng cỡ lớn sẽ chiếm 810 chiếc, tiếp theo là máy bay chở hàng thân rộng tầm trung với 795 chiếc.
Boeing lưu ý rằng ước tính này có thể dao động khoảng 400 chiếc, tăng hoặc giảm tùy thuộc vào các biến động của thị trường toàn cầu trong tương lai.
Lý do giao máy bay chở hàng mới có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Đội bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, phần lớn các máy bay mới sẽ được sử dụng để thay thế các máy bay cũ.
Mặc dù máy bay chở hàng cỡ lớn trong quá khứ đến từ cả dây chuyền sản xuất mới và chương trình chuyển đổi máy bay chở khách, nhưng nhu cầu trong tương lai sẽ nghiêng về các mẫu máy bay được sản xuất tại nhà máy. Lý do là các mẫu máy bay này mang lại hiệu quả vận hành cao hơn, chi phí đơn vị thấp hơn, khả năng khai thác tốt hơn và hiệu suất vận tải lớn hơn.
Đáng chú ý, ba nhóm đang chuẩn bị triển khai các chương trình chuyển đổi máy bay Boeing 777 – dòng máy bay thân rộng liên lục địa – thành máy bay chở hàng. Hiện tại, các máy bay chở hàng thân rộng cỡ lớn chiếm hơn ba phần tư tổng năng lực vận tải hàng hóa toàn cầu của đội bay chuyên dụng.
Trong dự báo trước đây, Boeing từng ước tính đội bay máy bay chở hàng toàn cầu sẽ đạt 3.610 chiếc vào năm 2041 và cần bổ sung gần 2.800 máy bay mới. Tuy nhiên, ông Darren Hulst cho biết, con số dự báo hiện tại giảm nhẹ do các dòng máy bay mới mang lại năng suất cao hơn và khả năng khai thác hiệu quả hơn, giúp giảm bớt nhu cầu bổ sung thêm nhiều máy bay chở hàng.
Báo cáo của Boeing nhấn mạnh giá trị của máy bay chở hàng chuyên dụng khi hiện nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên các máy bay này đã vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Các hãng hàng không khai thác máy bay chở hàng đã đóng góp tới 90% tổng doanh thu của ngành vận tải hàng không trong năm 2023.
Giai đoạn 2020-2021, hơn 70% lưu lượng vận tải hàng không toàn cầu được thực hiện bằng máy bay chở hàng, do sự sụt giảm mạnh của các chuyến bay chở khách trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, thị phần của máy bay chở hàng đã giảm xuống còn 60% trong hai năm tiếp theo khi ngành hàng không chở khách dần phục hồi. Hiện tại, máy bay chở hàng chuyên dụng đã quay trở lại mức truyền thống, chiếm khoảng 54% tổng khối lượng hàng hóa vận tải bằng đường hàng không.
Ông Hulst dự báo tỷ lệ này sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong ngắn và trung hạn, mặc dù năng lực vận tải của các chuyến bay chở khách đã mở rộng mạnh mẽ trong hai năm qua. Sự ưa chuộng đối với các máy bay chở hàng đường dài vẫn cao nhất trên các tuyến trọng điểm từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu, nơi gần 80% hàng hóa được vận chuyển bằng các máy bay chuyên chở hàng hóa. Trong khi đó, tại thị trường xuyên Đại Tây Dương, tỷ lệ hàng hóa vận chuyển bằng máy bay chở hàng chuyên dụng đạt khoảng 40%, tương đương với mức trước đại dịch.
Các hãng vận tải nhanh như FedEx, UPS, DHL và Amazon hiện chiếm khoảng 45% tổng doanh thu vận tải hàng không toàn cầu. Trong khi đó, các hãng hàng không kết hợp – khai thác cả máy bay chở khách và máy bay chở hàng – đóng góp khoảng một phần ba doanh thu toàn ngành. Các hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa thông thường chiếm khoảng 10% doanh thu, và 10% còn lại đến từ các hãng bay chỉ sử dụng khoang bụng máy bay chở khách để vận chuyển hành lý và hàng hóa.
Ông Darren Hulst cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của các hãng vận tải trung chuyển – chủ yếu là các hãng hàng không Trung Đông như Qatar Airways, Emirates, Etihad Airways, Turkish Airlines và mới đây là Silk Way West Airlines (Azerbaijan). Những hãng này tận dụng lợi thế vị trí địa lý chiến lược để kết nối hàng hóa giữa hai quốc gia thuộc các khu vực khác nhau thông qua trụ sở chính của họ.
Việc Nga đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không phương Tây nhằm đáp trả lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột ở Ukraine đã giúp các hãng trung chuyển này giành thêm thị phần trong hai năm qua. Ông Hulst chia sẻ trong một buổi họp báo với phóng viên: đội bay chở hàng của các hãng này đã tăng trưởng 50% trong vòng sáu năm qua.
Source: https://www.freightwaves.com/news/e-commerce-to-drive-air-cargo-industry-expansion-through-2043