Nhiều cơ hội hợp tác phát triển dịch vụ logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc

04.06.2024

Sự phát triển mạnh mẽ của kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở ra nhiều cơ hội cho sự hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai nước.

Dịch vụ logistics với nhu cầu lớn

Chiều ngày 18/5/2024, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) cùng Hiệp hội Vận tải Container Thâm Quyến (SCTA) đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Cơ hội kinh doanh và tiềm năng hợp tác” kết hợp với chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp thành viên của hai hiệp hội. Sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao nhận, vận tải hàng hóa và logistics. Buổi hội thảo và giao lưu đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại diện đến từ hơn 40 doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam chia sẻ rằng, vào năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 690 triệu USD. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 171 tỷ USD, gấp gần 250 lần sau 19 năm. Trong những năm gần đây, thương mại hai chiều đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai quốc gia.

Trong thời gian qua, nhờ vào sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ cùng các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động vận tải đường bộ giữa hai quốc gia đã có nhiều tiến bộ đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch thương mại song phương.

Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế quốc tế đã chứng kiến nhiều thay đổi. Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh. Đến cuối năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã thực hiện khoảng 4.200 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký vượt qua 27 tỷ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 6 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

“Những biến chuyển trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đang mang đến nhiều cơ hội mới cho hoạt động kinh tế nói chung và hợp tác logistics nói riêng,” ông Quyền nhận định. Ông cho rằng, hiện nay, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở việc vận chuyển hàng hóa thương mại song phương mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như thương mại điện tử, thiết bị máy móc và vật tư phục vụ sản xuất tại Việt Nam.

Đáng chú ý, hàng chục tỷ USD vốn đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam đang tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ logistics, hỗ trợ cho sự lưu chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế khác.

Thêm vào đó, với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có khả năng kết nối tỉnh Vân Nam và một số khu vực thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với cụm cảng biển ở Hải Phòng. Việt Nam cũng nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á, kết nối trung tâm logistics ở Hoa Đông (Thượng Hải) và Hoa Nam (Quảng Châu) với các quốc gia ASEAN. Tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành logistics trong khu vực.

Đây cũng là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp thành viên của hai hiệp hội tăng cường hợp tác, khám phá những cơ hội kinh doanh mới. Và xây dựng một cộng đồng vận tải logistics vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Quyền đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi giao lưu này và nhấn mạnh rằng những sự kiện tương tự nên được tổ chức thường xuyên để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên. Ông cũng hy vọng rằng Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics và vận tải đường bộ giữa hai nước, giúp lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ và ổn định trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không ngừng tăng trưởng trong những năm gần đây. Quan hệ thương mại giữa hai nước luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Để hỗ trợ cho thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong những năm qua, chính phủ và các cơ quan liên quan của hai nước đã công nhận 19 cặp cửa khẩu, nằm tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên của Việt Nam, tương ứng với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Những cửa khẩu này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, du lịch, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Ngoài ra, chính quyền hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Bao gồm các hiệp định và nghị định thư nhằm thúc đẩy vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ và đường sắt. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân hai nước. Các văn bản này cũng hỗ trợ việc trao đổi hàng hóa lên đến hàng ngàn container mỗi ngày qua lại các cửa khẩu được công nhận.

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và người dân hai nước, như Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải Container Thâm Quyến đang thực hiện, hoàn toàn phù hợp với chủ trương ngoại giao nhân dân của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này nhằm khai thác tối đa các tiềm năng và cơ hội mà mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai quốc gia mang lại.

Nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư

Tại hội thảo, ông Mai Xuân Lôi, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Container Thâm Quyến đã chia sẻ tầm nhìn của mình về các cơ hội hợp tác dựa trên mối quan hệ kinh tế giữa tỉnh Quảng Đông với Việt Nam và các nước ASEAN. 

Việc Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do là cơ hội để phát triển đất nước. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa bốn ngành nghề: thương mại, logistics, tài chính và sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Container Thâm Quyến (SCTA) đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và Hiệp hội Logistics Hà Nội nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics giữa hai nước.

Ông Lôi cho rằng, chuỗi cung ứng hàng nguyên vật liệu từ Trung Quốc về Việt Nam hiện tại nếu vận chuyển bằng đường biển sẽ mất nhiều thời gian, còn bằng đường hàng không thì chi phí lại khá cao. Do đó, nếu chúng ta có thể phát triển tuyến đường bộ, điều này sẽ mang lại hiệu quả lớn, giúp giảm chi phí logistics.

Ông Ngô Huân Bân, Chủ tịch điều hành Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Đông thuộc Hiệp hội Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, trong suốt 7 năm qua, Hiệp hội đã kiên trì thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa Trung Quốc và Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam khảo sát và mở rộng thị trường.

Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Đông đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ông Ngô hy vọng rằng Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò này trong tương lai và mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia Hiệp hội để cùng hợp tác và phát triển.

Chia sẻ tầm nhìn về triển vọng hợp tác giữa VATA và SCTA, ông Trần Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, nhấn mạnh lợi thế về địa lý của Việt Nam nằm trên tuyến đường xuyên Á, kết nối Trung Quốc với thị trường ASEAN bằng đường bộ.

"Tuyến đường xuyên Á này hiện đang cung cấp cho thị trường một lựa chọn có chi phí thấp hơn đường hàng không và thời gian vận chuyển nhanh hơn đường biển. Hiện tại, tuyến đường này có lưu lượng ước tính khoảng 200.000 TEUs mỗi năm," ông Nghĩa cho biết.

Để khẳng định mong muốn hợp tác giữa hai hiệp hội và tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa các hội viên, Chủ tịch SCTA Mai Xuân Lôi và Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Biên bản này xác lập mối quan tâm chung cũng như các chương trình mà hai bên sẽ tham gia và cùng tổ chức trong thời gian tới.

Nguồn: https://congthuong.vn/nhieu-co-hoi-hop-tac-phat-trien-dich-vu-logistics-giua-viet-nam-va-trung-quoc-320911.html

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS