Xuất khẩu là một trong những động lực then chốt giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, việc giá cước vận tải biển giảm mạnh là cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là vào giai đoạn cuối năm. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn đối với những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ và nông sản vốn đang trên đà phục hồi tích cực.
Theo báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh trên hầu hết các tuyến đường chính. Đặc biệt là tuyến từ châu Á sang Bờ Tây Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Thời điểm hiện tại, giá cước vận tải biển trên toàn cầu đã giảm mạnh trên hầu hết các tuyến, đặc biệt là các tuyến từ châu Á sang Bờ Tây Hoa Kỳ và Châu Âu, với mức giảm 20-30% so với trước. Các tuyến vận tải khác cũng không ngoại lệ, với mức giảm từ 15-25%.
So với giai đoạn cao điểm vào tháng 9/2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, giá cước vận tải biển đã giảm tới 44%.
Hiện tại, giá cước vận chuyển từ châu Âu dao động trong khoảng 6.000 - 8.000 USD/container 40 feet. Trong khi cước từ châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ nằm trong khoảng 5.000 - 6.000 USD/container. Tuy nhiên, tuyến từ Bờ Đông Hoa Kỳ vẫn duy trì mức giá cao, từ 9.000 - 10.000 USD/container.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (TP.HCM) chia sẻ rằng, trước đây, chi phí vận chuyển một container nội thất của doanh nghiệp tới Mỹ hoặc Châu Âu lên tới 11.000 USD. Tuy nhiên, hiện tại mức cước đã giảm xuống còn khoảng 6.000-8.000 USD/container.
"Việc giá cước vận tải biển giảm đã giúp doanh nghiệp chúng tôi tăng sản lượng xuất khẩu thép kết cấu xây dựng sang các thị trường như Mỹ, Châu Âu, Canada và Nhật Bản thêm hơn 20%. Chúng tôi dự đoán các đơn hàng xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng thêm khoảng 10% trong thời gian tới," ông Tuấn Anh cho biết.
Trả lời phỏng vấn từ báo chí, ông Nguyễn Hoài Chung, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu Hàng Thủ công Mỹ nghệ Long Thành (Hà Nội) cũng xác nhận rằng từ đầu tháng 8, tình hình đặt tàu container đã trở nên dễ dàng hơn so với tháng 6 và 7. "Không chỉ mình giá cước giảm, tần suất và số lượng chuyến tàu cũng tăng lên. Đây là điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Đồng thời, vận tải biển cũng đã mở rộng thêm nhiều cảng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh và thâm nhập các thị trường mới," ông Chung chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến giá cước vận tải tăng trước đây là do nhiều hãng tàu buộc phải thay đổi lộ trình, tránh đi qua kênh đào Suez do lo ngại về rủi ro an ninh trên Biển Đỏ. Như vậy sẽ kéo dài thời gian vận chuyển và tăng chi phí, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải từ chối đơn hàng. Hiện nay, nhiều chuyến tàu đã có thể đi thẳng tới Mỹ và Châu Âu mà không cần phải đi vòng, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận tải.
Ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nhận định: “Một số hãng tàu đã triển khai các tuyến vận chuyển thẳng, chẳng hạn như tuyến trực tiếp từ châu Á sang Bờ Tây Mỹ chỉ mất khoảng 20 ngày. Giúp cắt giảm 1/3 thời gian vận chuyển và giảm đáng kể chi phí cho chủ hàng."
Theo ông Nguyễn Hoài Chung, CEO của Phattaa - sàn giao dịch logistics quốc tế Việt Nam, việc bổ sung thêm tàu trên tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương đã giảm áp lực về chỗ, đặc biệt tại các cảng ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương.
Cục Hàng hải Việt Nam thông tin thêm, giá cước vận tải biển toàn cầu mỗi tuần đều giảm trung bình từ 3-4%, phản ánh xu hướng giảm ổn định. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục khi các cảng lớn trên thế giới đã khắc phục tình trạng tắc nghẽn. Đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm chi phí vận tải và đặt chỗ, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tại khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sản lượng container xuất nhập khẩu đã đạt 3,329 triệu Teu, ghi nhận mức tăng ấn tượng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này kết hợp với giá cước vận tải biển giảm sâu đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024.
Cụ thể, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã ghi nhận doanh thu quý II/2024 đạt hơn 351 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 72,6 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, công ty báo cáo lợi nhuận 149,6 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Công ty CP Cảng Xanh VIP (Vip Greenport) cũng báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, đạt con số 92,7 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty CP Cảng Quy Nhơn báo cáo lợi nhuận trong nửa đầu năm 2024 đạt 76,9 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đạt doanh thu 8.241 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế chạm mốc 1.887 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.616 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 70%.
Những kết quả này là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Theo các chuyên gia, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện đang hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là dệt may, gỗ và nông sản. Trong đó, dệt may và da giày là hai lĩnh vực có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, với 70-80% sản lượng dành cho xuất khẩu. Chính vì vậy, giá cước vận tải biển giảm đã mang đến cơ hội vàng để các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, xuất khẩu nhanh các đơn hàng sang thị trường châu Á và châu Phi, nhằm bù đắp cho những khó khăn trong các tháng 5-7 khi giá cước cao và nguồn container khan hiếm đã làm chậm tiến độ giao hàng.
"Một đại diện từ một doanh nghiệp may mặc tại Hà Nội chia sẻ rằng, theo kế hoạch từ tháng 8 đến hết năm, công ty sẽ xuất khẩu 10 đơn hàng sang thị trường châu Phi. Trong bối cảnh giá cước vận tải giảm sâu, đây thực sự là một tin vui đối với doanh nghiệp. Ông chia sẻ thêm, khi chi phí sản xuất đầu vào liên tục leo thang, từ giá vải, nhân công cho đến cước phí, việc giá vận tải biển giảm đã giúp doanh nghiệp 'dễ thở' hơn, giảm đáng kể gánh nặng chi phí trong những tháng cuối năm."
Theo giới phân tích, không chỉ nhờ sự giảm mạnh của giá cước vận tải, mà sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đã góp phần giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu trong tháng 8, với kim ngạch lên tới 37,59 tỷ USD. Con số này vượt mức 36,24 tỷ USD của tháng 7, trở thành mức cao nhất từ trước tới nay. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến của giá cước vận tải biển trên thế giới. Điều này đảm bảo các doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường gặp biến động không mong muốn."
Source: https://vnbusiness.vn/viet-nam/cuoc-van-tai-bien-giam-sau-cu-huych-cho-tang-truong-xuat-khau-cuoi-nam-1102514.html
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬