Với những xu hướng mới về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu như là giải pháp tích cực để giảm phát khí thải, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu trung hoá carbon và phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng về “tính xanh” của chuỗi sản xuất.
Từ 1/1/2023, với việc xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp sẽ không còn được áp dụng cơ chế GSP (Ưu đãi thuế phổ cập), thay vào đó là cơ chế ưu đãi thuế quan theo các cam kết của EVFTA. Năm nay cũng đánh dấu năm 5 về việc Việt Nam thực hiện CPTPP với các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn xanh cho các sản phẩm, hàng hoá khi xuất khẩu vào các thị trường này.
Theo lộ trình thực hiện các FTA, trọng tâm là cắt giảm, xoá bỏ thuế quan nhập khẩu hàng hoá. Như vậy, các đàm phán đều dựa vào trình độ, năng lực quốc gia để đảm bảo doanh nghiệp và nền kinh tế có thể đáp ứng theo “lộ trình” đó. Theo đó, lộ trình sẽ được đặt ra trong khoảng thời gian nhất định và với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Chẳng hạn như việc xoá bỏ thuế nhập khẩu về 0% của hiệp định CPTPP phần lớn là 3 – 7 năm (Chỉ có một số trường hợp có lộ trình là 10 năm và rất ít là kéo dài 20 năm). Việt Nam tham gia vào sân chơi FTA cũng là để có thêm cơ hội trường và cũng là khẳng định tuân thủ quy luật cạnh tranh không thể khác của nền kinh tế “mở”.
Nhưng với đất nước có cộng đồng doanh nghiệp mà 96% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế thì việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường giá trị cao là không dễ dàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại Việt Nam nhận mạnh vào yếu tố “Thoả thuận xanh châu Âu” cùng các chiến lược để đạt mục tiêu “làm cho EU trở nên trung lập với khí hậu vào năm 2050”, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được quy định và xu hướng thị trường để đáp ứng được các điều kiện khi xuất khẩu đến các nước châu Âu.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ: “Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, tức là một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030. Do vậy, các nhà cung cấp và nông dân sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế hiện đại để thay thế biện pháp kiểm soát dịch hại truyền thống. Nông dân cũng có thể phải điều chỉnh các phương thức canh tác của họ để đáp ứng các quy định mới. Đây chính là lý do tại sao mà EU thường xuyên đưa ra các rà soát về việc vượt ngưỡng các chất bị cấm”.
Da giày, ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng xác định cần phải tuân thủ và đáp ứng các điều kiện khắt khe từ các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết: “Các yêu cầu, đặc biệt là các yêu cầu về sản xuất xanh đối với những chuỗi cung ứng là một thách thức đặt ra, vậy thì đối với doanh nghiệp của ngành da giầy trước tiên là các doanh nghiệp phải cập nhật các thông tin thường xuyên”.
“Cụ thể, phía EU chúng ta thấy là đạo luật liên quan đến vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn hàng hóa an toàn khi sản xuất xuất khẩu vào thị trường EU thì đạo luật này được cập nhật hằng năm. Thứ hai nữa là sắp tới thì thị trường Đức cũng đưa ra một đạo luật mới về tăng cường tham vấn trong chuỗi cung ứng đối với bên thứ ba. Đây cũng là một trong những điều kiện các doanh nghiệp phải đáp ứng tuân thủ. Nếu như chúng ta mà không đáp ứng thì sẽ thất bại khi xuất khẩu vào thị trường này”, theo bà Xuân cho biết.
Trong chiến lược xuất, nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2030 có mục tiêu là tốc độ xuất khẩu hàng hoá tăng bền vững ở mức 6 – 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6% so với năm 2022, có nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu khá “khiêm tốn”, nhưng cơ quan khẳng định đạt mục tiêu này là “không dễ dàng”.
Ngoài ra những thách thức về suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát làm cho người tiêu dùng hạn chế chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu. Thêm vào đó, các yếu tố khác có thể kể đến như: đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường và ý thức về việc bảo vệ môi trường, phát triển xanh bền vững được người tiêu dùng ngày càng coi trọng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-2023-va-nhung-doi-hoi-cao-tu-cac-fta-the-he-moi-post999484.vov