Việt Nam hưởng lợi gì từ những chính sách kinh tế toàn cầu năm 2025?

10.02.2025

Sang năm 2025, nền kinh tế toàn cầu được dự kiến sẽ phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đạt 3,1%. Dù nhỉnh hơn mức 3,0% của năm 2024, đà phục hồi này vẫn không đồng đều giữa các khu vực. Một số yếu tố then chốt tiếp tục định hình cục diện kinh tế thế giới, trong đó có sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, chính sách thuế quan mới từ Mỹ và những bất ổn kinh tế kéo dài trong Liên minh châu Âu (EU). Những biến động này có thể tác động trực tiếp đến thương mại và đầu tư toàn cầu, kéo theo những cơ hội cũng như thách thức mới đối với các nền kinh tế như Việt Nam.

Mỹ điều chỉnh thuế quan: Việt Nam đứng trước cơ hội gì?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ thương mại với mức thuế cao, dao động từ 25% đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam khi trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang chịu mức thuế thấp hơn Trung Quốc từ 15-50 điểm phần trăm, đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm tư liệu sản xuất.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 405,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 14,3% so với năm trước. Dự báo năm 2025, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức hai chữ số, nhờ vào các ngành hàng chủ lực như dệt may, linh kiện điện tử và gỗ chế biến. Đáng chú ý, nhóm tư liệu sản xuất – hiện chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ – được kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trung bình 40% mỗi năm theo nhận định từ FPTS.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Dù hưởng lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến các cuộc điều tra về gian lận xuất xứ. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được xuất khẩu qua Việt Nam nhằm né thuế, nguy cơ bị áp thuế bổ sung hoặc các biện pháp thương mại hạn chế có thể xảy ra. Trước đó, vào năm 2020, Việt Nam từng trải qua áp lực tương tự khi thặng dư thương mại với Mỹ lên tới 80 tỷ USD.

Tác động của gói kích thích kinh tế Trung Quốc đến Việt Nam

Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam đang triển khai các biện pháp điều chỉnh chính sách nhằm kích thích tăng trưởng và giải quyết những thách thức kinh tế nội tại. Một trong những động thái quan trọng nhất là gói kích thích tài khóa trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1.400 tỷ USD), chiếm 8% GDP của nước này. Chương trình này bao gồm việc tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng lương tối thiểu để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Theo báo cáo của FPTS, những chính sách kích cầu này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đặc biệt trong việc mở rộng xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2024, Trung Quốc đã chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, đạt giá trị 4 tỷ USD. Các mặt hàng thủy sản, trái cây (như thanh long, xoài, sầu riêng) và cà phê cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. “Nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước"

Bên cạnh chính sách kích cầu tiêu dùng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc. Trong năm 2023, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2019. Dòng vốn này chủ yếu đổ vào các lĩnh vực công nghiệp điện tử, năng lượng tái tạo và sản xuất chế tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước. Nhiều tập đoàn lớn như Foxconn và Trina Solar đã triển khai các dự án quy mô lớn, góp phần mở rộng năng lực sản xuất và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong năm 2024, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 13% tổng vốn FDI đăng ký. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt 3,2 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị y tế và công nghệ cao.

Theo dự báo của FPTS, xu hướng gia tăng FDI từ Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh các rào cản thuế quan. “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng chi phí lao động cạnh tranh, môi trường kinh doanh thuận lợi và các chính sách ưu đãi hấp dẫn từ chính phủ Việt Nam”, FPTS đánh giá.

Tác động từ EU và các khu vực khác

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng, trong đó nguy cơ suy thoái kéo dài là một vấn đề đáng lo ngại. Hai yếu tố chính là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukrain và tình hình bất ổn chính trị tại một số quốc gia thành viên. Tăng trưởng GDP của EU trong năm 2024 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn dự báo trước đó, chủ yếu do các chương trình phục hồi kinh tế triển khai chậm và gánh nặng tài chính từ các khoản viện trợ dành cho Ukraine. Ngoài ra, các nền kinh tế chủ chốt như Đức và Pháp đang gặp khó khăn trong việc thống nhất các biện pháp kích thích kinh tế vì những bất đồng trong chính sách tài khóa và đối ngoại.

Tuy nhiên, EU vẫn có một số tín hiệu tích cực nhờ vào chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Để hỗ trợ tăng trưởng, ECB đang thực hiện lộ trình giảm lãi suất tiền gửi xuống còn 2% vào cuối năm 2025, so với mức 3,25% trong năm 2024. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong khu vực. Khi lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 2%, sức mua nội địa tại EU có thể dần phục hồi, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết yếu và công nghệ cao. Theo đánh giá của FPTS, tâm lý người tiêu dùng tại châu Âu đã có dấu hiệu cải thiện từ cuối năm 2023, báo hiệu triển vọng tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2025.

Việc phục hồi kinh tế của EU mang đến cơ hội đáng kể cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, chế biến gỗ và sản phẩm điện tử. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 46,5 tỷ USD, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Dự báo trong năm 2025, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng 12,5% nhờ vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi. Theo đánh giá của FPTS, các ngành như dệt may và gỗ chế biến sẽ là những lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ sự thuận lợi trong thương mại giữa hai bên.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ các chính sách bảo hộ thương mại của EU. Các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường, khí thải và chất lượng sản phẩm nhập khẩu đang được thắt chặt hơn bao giờ hết. Nếu không đầu tư vào công nghệ sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu mới, dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng và nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Âu.

Bên cạnh EU, các thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN cũng góp phần đáng kể vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nhật Bản đang triển khai gói kích thích kinh tế trị giá 39 nghìn tỷ Yên (tương đương 6% GDP), giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng nhập khẩu như thực phẩm và dệt may từ Việt Nam. Trong khi đó, Hàn Quốc và Singapore tiếp tục là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với dòng vốn FDI chiếm lần lượt 10% và 13% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2024.

Bước sang năm 2025, Việt Nam đứng trước một giai đoạn quan trọng, khi các chính sách kinh tế toàn cầu mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng điều hành linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế từ môi trường kinh tế quốc tế để nâng cao vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong nước.

Nguồn: https://www.dnse.com.vn/senses/tin-tuc/viet-nam-huong-loi-gi-tu-nhung-chinh-sach-kinh-te-toan-cau-nam-2025-34093207 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS