Với tốc độ tăng trưởng từ 20 - 25% mỗi năm, thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu ngày càng cao đối với ngành công nghiệp logistics.
Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn, ngành logistics và thương mại điện tử vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước tình hình này, các chuyên gia nhận định rằng việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong logistics chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/5, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến, với khoảng 43,9 triệu người. Điều này khiến dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại điện tử trở nên cực kỳ quan trọng.
Ông Hải nhấn mạnh rằng, xu hướng chuyển đổi số và sự thay đổi trong hành vi mua sắm cùng với các yếu tố khác đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian gần đây. Vì vậy, ngành logistics, cần được đầu tư kỹ lưỡng. Đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số để có thể đáp ứng và thích nghi với bối cảnh thị trường, đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy các ngành nghề khác.
Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử không chỉ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn giúp giảm chi phí logistics và chi phí cho toàn bộ nền kinh tế. Ông Hải cũng cho biết thêm, việc này còn nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trải nghiệm khách hàng, giảm phát thải carbon và ô nhiễm từ bao bì nhờ vào việc tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và quản lý tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành logistics tại Việt Nam hiện chiếm từ 20 - 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ. Dự kiến sẽ tăng trưởng 12% mỗi năm trong thời gian tới. Sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội cho các công ty logistics. Theo ước tính của McKinsey, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng trong thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn cầu. Phần còn lại của thị trường được chi phối bởi ba đối tượng: các "ông lớn" thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp, và dịch vụ hậu cần nội bộ của các thương hiệu.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thay đổi hành vi tiêu dùng, từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Khối lượng giao dịch thương mại điện tử gia tăng kéo theo nhu cầu về vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho ngành logistics. Các công ty logistics phải đối mặt với áp lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn này, đồng thời tận dụng các cơ hội để mở rộng và phát triển dịch vụ của mình.
Người mua hàng hiện nay có thể mua sắm mà không bị giới hạn bởi khu vực địa lý, đặt mua sản phẩm từ bất kỳ quốc gia hay vùng miền nào thông qua các website. Thông tin đơn hàng được truyền đi và chấp nhận gần như tức thời. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa vẫn cần vượt qua khoảng cách địa lý để đến tay người dùng. Đây là nhiệm vụ của hệ thống logistics. Mặc dù giao dịch được thực hiện trực tuyến, dịch vụ logistics vẫn là mắt xích không thể thiếu để hoàn tất đơn hàng và giao dịch.
Các chuyên gia cho biết, ứng dụng công nghệ vào logistics giúp doanh nghiệp giảm 14% chi phí giao hàng và tăng 13% số lượng hàng giao trên mỗi chuyến xe. Công nghệ này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất giao hàng thông qua việc lập kế hoạch tuyến đường thông minh, đảm bảo nhiều lượt nhận và trả hàng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy việc ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp logistics vẫn gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt về mặt công nghệ và bảo mật thông tin cũng như thanh toán.
Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi và xử lý hàng (reverse e-logistics) hiện chưa được tổ chức và kiểm soát tốt, gây ra thách thức cho các đơn vị logistics trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay sản phẩm bảo hành. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel, ông Đinh Thanh Sơn cho biết, nhiều công nghệ hiện đại đang được triển khai trên thế giới trong lĩnh vực logistics nhằm tối ưu hóa vận hành và bảo vệ môi trường. Viettel hiện có 5.000 xe ôtô vận chuyển và dự kiến phát triển thêm 15.000 xe trong 5 năm tới. Đồng thời hợp tác với các hình thức vận tải đường sắt và đường biển để nâng cao năng lực logistics. Viettel cũng đặt mục tiêu chuyển phát 20 triệu đơn hàng mỗi ngày, kết hợp với phát triển bền vững thông qua việc trang bị xe tải điện năng lượng mặt trời và ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành kho thông minh. Ông Sơn nhấn mạnh rằng thách thức hiện nay đối với ngành logistics là vấn đề pháp lý, hạ tầng giao thông, hạn chế của doanh nghiệp logistics và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cũng nhận định rằng xu hướng của ngành logistics hiện đại đang hướng tới tự động hóa, cắt giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Các công ty Việt Nam có lợi thế về đổi mới sáng tạo, khả năng hợp tác hiệu quả và giá thành cạnh tranh. Các cảng biển Việt Nam đang chuyển sang mô hình cảng thông minh, áp dụng công nghệ tự động tiên tiến. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức khi phải sử dụng công nghệ từ nước ngoài cho các sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội này, ngành logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng. Đặc biệt là trong chuyển đổi số để có thể đáp ứng và thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa sự phát triển của các ngành nghề khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần tập trung vào việc mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới logistics để tối ưu hóa các phương án và hình thức giao nhận. Việc tối ưu hóa lộ trình giao hàng nhằm giảm chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng là rất quan trọng. Hơn nữa, tăng cường ứng dụng công nghệ số để quản lý và đồng bộ hóa các chuỗi logistics sẽ là hướng đi có tính ứng dụng cao trong thời gian tới.
Nguồn: https://cand.com.vn/Thi-truong/ung-dung-cong-nghe-de-nganh-logistics-va-thuong-mai-dien-tu-but-pha-i731450/