Từ Thâm Quyến, Singapore đến viễn cảnh đô thị logistics quốc tế Hải Phòng

23.07.2025

Trong suốt hành trình phát triển của nhiều siêu đô thị trên thế giới như Rotterdam (Hà Lan), Thâm Quyến (Trung Quốc) hay Singapore, ngành logistics đã đóng vai trò là lực đẩy chiến lược, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn định hình bản sắc đô thị hiện đại. Tại Việt Nam, Hải Phòng – đặc biệt là quận Hải An – đang nổi lên như một trung tâm mới, hội tụ các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị logistics quốc tế.

Cảng Singapore – Cảng biển nhộn nhịp thứ 2 thế giới. Ảnh: Ship Technology.

Logistics – Nền tảng thúc đẩy các đô thị lớn trỗi dậy

Theo Chỉ số Hiệu suất Logistics (LPI) mới nhất do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, Singapore tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn cầu. Từ một quốc gia có thu nhập thấp, tài nguyên hạn chế, Singapore đã phát triển thành một trung tâm logistics hàng đầu với cảng container trung chuyển lớn thứ hai thế giới và sân bay vận tải hàng hóa tầm cỡ châu Á. Quốc đảo này còn đang xây dựng cảng Tuas – cảng container tự động lớn nhất thế giới, cùng với việc mở rộng sân bay Changi, cho thấy chiến lược phát triển logistics của Singapore là nền tảng cho sự phồn vinh lâu dài.

Tại Trung Quốc, Thâm Quyến là minh chứng điển hình cho sự trỗi dậy nhờ phát triển logistics. Từ một làng chài nhỏ vào những năm 1980, Thâm Quyến đã chuyển mình thành siêu đô thị công nghiệp và công nghệ toàn cầu nhờ chính sách đặc khu kinh tế, vị trí ven biển tiếp giáp Hong Kong, sở hữu nhiều cảng biển và hạ tầng hàng không hiện đại.

Tại châu Âu, Rotterdam (Hà Lan) – khởi đầu là một cảng cá – hiện là cảng biển nhộn nhịp nhất châu Âu, đóng vai trò trung tâm logistics của toàn khu vực. Cảng Rotterdam đã góp phần quan trọng trong việc đưa Hà Lan trở thành trung tâm vận tải và thương mại quốc tế hàng đầu.

Điểm chung của các đô thị này không chỉ là tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng mà còn là sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Theo Báo cáo Các Thành phố Giàu nhất Thế giới 2025 của Henley & Partners và New World Wealth, Singapore và Thâm Quyến lần lượt đứng thứ 4 và thứ 3 toàn cầu về số lượng cư dân sở hữu tài sản lớn. Bên cạnh đó, Singapore có giá nhà trung bình cao nhất châu Á – Thái Bình Dương với khoảng 1,3 triệu USD, trong khi Thâm Quyến từng dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng giá nhà ở năm 2021.

Hải Phòng – Tiến gần hơn tới viễn cảnh đô thị logistics toàn cầu

Tại Việt Nam, Hải Phòng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố nền tảng để trở thành trung tâm logistics tầm vóc quốc tế. Với lợi thế là đô thị cảng biển lớn nhất miền Bắc, điểm hội tụ của cả 5 loại hình vận tải (biển, hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa), thành phố được Chính phủ định hướng trở thành trung tâm logistics quốc gia vào năm 2025, và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại mang tầm quốc tế vào năm 2030.

Cảng Đình Vũ – Một trong những động lực tăng trưởng của Hải An. Ảnh: Cảng Đình Vũ.

Trong chiến lược này, quận Hải An đóng vai trò then chốt – được quy hoạch trở thành trung tâm thương mại và tài chính quốc tế đến năm 2040.

Hải An – Hạt nhân phát triển logistics và đô thị hiện đại

Hải An không chỉ sở hữu vị trí liền kề với cảng quốc tế nước sâu Lạch Huyện, mà phần lớn diện tích còn nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải – nơi được định hướng trở thành trung tâm logistics cấp vùng và quốc tế. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phân cấp thí điểm khu thương mại tự do cho Hải Phòng tại khu vực này, mở ra một cơ chế phát triển linh hoạt và có chiều sâu.

Hải An còn sở hữu bán đảo Đình Vũ – điểm hội tụ của nhiều khu công nghiệp trọng điểm và hệ thống cảng biển, cảng sông hiện đại như: Đình Vũ, Green Port, Chùa Vẽ, cảng Hải An, với kết nối trực tiếp đến cảng Lạch Huyện, tạo lợi thế vượt trội trong giao thương quốc tế.

Hiện tại, 3 trong 4 trung tâm logistics lớn của Hải Phòng đều nằm tại Hải An:

  • Trung tâm Logistics Green
  • Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (trong KCN DEEP C)
  • Trung tâm Logistics CDC (KCN DEEP C2 – đang xây dựng)

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại Hải An liên tục được đầu tư mở rộng với các dự án trọng điểm như: sân bay quốc tế Cát Bi, ga đường sắt Lạc Viên, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, đường Bùi Viện, và tuyến Vành đai 2 vừa được khởi công đầu năm 2025.

Đặc biệt, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD, đã ấn định ngày khởi công là 19/12/2025, sẽ đi qua Hải An – càng củng cố vai trò trung chuyển chiến lược, kết nối hành lang kinh tế Á – Âu của khu vực.

Logistics – Cú hích cho thị trường bất động sản và đô thị bền vững

Tương tự như Singapore hay Thâm Quyến, sự phát triển mạnh mẽ của logistics không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn tạo động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản. Tại Hải An, nhu cầu về nhà ở, văn phòng, kho vận, trung tâm hậu cần đang gia tăng nhanh chóng, song hành với xu thế dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.

Nếu được tiếp tục đầu tư bài bản và có chiến lược phát triển rõ ràng, Hải Phòng – với trung tâm là quận Hải An – hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu đô thị logistics của Việt Nam. Đây sẽ là nơi logistics không chỉ là ngành dịch vụ then chốt, mà còn là hệ sinh thái đô thị hiện đại, đáng sống và phát triển bền vững.

Source: https://vov.gov.vn/tu-tham-quyen-singapore-den-vien-canh-do-thi-logistics-quoc-te-hai-phong-dtnew-1086655?keyDevice=true

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS