Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới Việt Trung

12.04.2024

Sự phát triển nhanh chóng của các tổng kho thương mại điện tử (TMĐT) tại khu vực biên giới Việt - Trung đang tạo nên một làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt, sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới làm tăng thêm áp lực đối với ngành hàng hóa nội địa.

Với sự xuất hiện của nhiều tổng kho giga mới tại khu vực giáp ranh Việt Nam, chị An Chi - Một nữ doanh nhân (25 tuổi) chủ sở hữu cửa hàng online bán đồ da ở Hà Nội đã bày tỏ mối quan ngại về hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai. 

Theo chị Chi, sự xuất hiện của những kho hàng lớn này làm cho sản phẩm từ Trung Quốc có thể dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây có thể là tin vui cho người tiêu dùng nhưng lại là thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT trong nước khi phải đối mặt với mức giá cạnh tranh gắt gao.

“Các nhà bán lẻ Trung Quốc thường chú trọng đến số lượng và đưa ra mức giá cực kỳ thấp, đôi khi chỉ bằng giá xuất xưởng. Chẳng hạn, với một chiếc ví da cùng kiểu dáng, họ có thể bán với giá thấp hơn từ 20-40%. Điều này khiến chúng tôi, những người bán hàng trong nước trở nên khó khăn hơn nhiều trong việc cạnh tranh, khi mà biên lợi nhuận đang dần thu hẹp,” chị Chi chia sẻ.

Hàng hoá Trung Quốc đổ bộ 

Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT xuyên biên giới đã giúp các sản phẩm từ Trung Quốc dễ dàng "xâm nhập" vào các thị trường lớn tại Việt Nam thông qua Shopee, Tik Tok Shop và Lazada. Không cần qua trung gian vận chuyển, hàng hóa từ quốc gia này chỉ mất thời gian ngắn để đến tay người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí nhanh ngang như thời gian vận chuyển từ TP.HCM đến Hà Nội.

Ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Metric cho rằng việc triển khai các kho hàng giga gần biên giới không chỉ thúc đẩy quy mô của TMĐT Việt Nam mà còn mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà bán hàng trong nước bằng cách mở rộng không gian mua sắm trực tuyến. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà kinh doanh Việt Nam giới thiệu sản phẩm đến thị trường quốc tế.

Về phía người tiêu dùng Việt Nam, họ ngày càng tiếp cận được nhiều hơn với các sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, chất lượng và giá cả từ Trung Quốc. Các tổng kho được đặt sát biên giới cũng góp phần cải thiện đáng kể tốc độ giao hàng.

Theo báo cáo của công ty phân tích thị trường eMarketer, TMĐT xuyên biên giới đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Dự báo vào năm 2026, doanh thu bán lẻ xuyên biên giới (B2C) tại Việt Nam có thể đạt mức 11,1 tỷ USD và ngành này có khả năng trở thành một trong năm ngành xuất khẩu hàng đầu vào năm 2027.

Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích của Metric, doanh thu từ TMĐT xuyên biên giới hiện nay không có sự tăng đột biến mà tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng và nhóm sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, nhờ các yếu tố như tốc độ giao hàng nhanh chóng, chi phí hợp lý và chính sách hoàn trả thuận lợi, các nhà bán lẻ xuyên biên giới từ Trung Quốc đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể.

Theo Thạc sĩ Đỗ Quang Huy - Chuyên gia về thương mại điện tử và là Giám đốc công ty Ecotop: Thời gian giao hàng từ các cửa hàng quốc tế đã được cải thiện đáng kể so với trước kia. Ngược lại, quá trình logistics nội địa của Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại do hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Ông Huy chia sẻ một số trường hợp cụ thể: “Đôi khi, một đơn hàng trong nội thành Hà Nội mất tới 3-4 ngày mới được giao đến tay người nhận. Có những đơn hàng thậm chí bị hủy mà lý do đưa ra là không thể giao hàng, trong khi người mua không hề nhận được thông báo hay cuộc gọi nào.”

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra sự không đồng đều trong quy trình vận hành của các đơn vị giao hàng. Một số công ty vận chuyển ưu tiên cho các đối tác lớn và bỏ qua các nhà bán lẻ nhỏ hơn, buộc họ phải tự mình đem hàng đến bưu cục, từ đó phát sinh thêm thời gian chờ đợi không cần thiết. Ông cũng nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng của con người trong chuỗi cung ứng vận tải vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi có sự thay đổi về nhân sự trong các doanh nghiệp, có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và quá tải hàng hóa.

Không thể để bị "lép vế" ngay trên sân nhà

Trong cuộc phỏng vấn với Báo chí, một chuyên gia trong lĩnh vực fulfillment, đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc không chỉ dẫn đầu về công nghệ mà còn sở hữu nguồn nhân lực phong phú, có tay nghề cao và tính sáng tạo. Đây là lợi thế để quốc gia này thực hiện các quy trình sản xuất quy mô lớn, liên tục đổi mới và tạo ra các xu hướng mới trên thị trường.

Hơn nữa, với "kỳ tích logistics" mà Trung Quốc đã đạt được, tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ, nhất là khi chúng ta có đến gần 1.500 km đường biên giới chung.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và công nghệ từ Trung Quốc, sự dễ dàng trong việc nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này cùng với sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người Việt Nam có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến các ngành công nghiệp nội địa như dệt may và sản xuất hàng gia dụng.

Đại diện của công ty Metric cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không sẵn sàng thay đổi, các nhà bán lẻ nhỏ và thiếu chuyên nghiệp tại Việt Nam có thể sẽ không còn chỗ đứng trong thị trường ngày càng cạnh tranh này.

Theo người đại diện này, bước đi quan trọng và cần thiết cho các nhà bán hàng Việt Nam bây giờ là nâng cao năng lực nội tại và tập trung vào những ưu điểm đặc thù của sản phẩm. Các nhà bán hàng có thể chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm độc đáo của từng địa phương, duy trì chất lượng sản phẩm một cách nhất quán và xây dựng hình ảnh thương hiệu một cách chuyên nghiệp và có chiến lược.

Giám đốc kinh doanh của Metric đánh giá, Việt Nam vẫn giữ được nhiều lợi thế như hiểu biết sâu sắc về thị trường và thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận các công cụ nghiên cứu thị trường hiện đại và chuyên nghiệp. Cần tận dụng các lợi thế này để phát triển và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, theo chuyên gia TMĐT Đỗ Quang Huy, trừ những sản phẩm đặc thù, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xuất khẩu ngược trở lại do thiếu lợi thế cạnh tranh về giá. Ông Huy giải thích rằng các nhà bán lẻ Trung Quốc có thể bán hàng trực tuyến với giá ngang hoặc thậm chí rẻ hơn giá nhập khẩu của người Việt nhờ mô hình D2C, loại bỏ khâu trung gian, khiến giá thành sản phẩm giảm đáng kể.

Ông cũng phân tích thêm, các nhà bán lẻ trong nước đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường với một số mặt hàng như đồ gia dụng, túi xách, ví,... và nhiều tiểu thương đã phải tìm hướng chuyển đổi ngành nghề.

Để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường nội địa, ông Huy nhấn mạnh rằng các tiểu thương Việt Nam cần khai thác triệt để kiến thức sâu rộng về văn hóa và lối sống địa phương. Việc sử dụng lực lượng KOL (Key Opinion Leaders) và KOC (Key Opinion Consumers) có thể sẽ là một chiến lược hiệu quả để hướng dẫn và định hình thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó gia tăng sự ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể khai thác hiệu quả các mặt hàng thế mạnh của đất nước như nông sản, thực phẩm khô, hoặc mỹ phẩm hữu cơ, đồng thời có thể tập trung vào sản xuất các sản phẩm dễ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, để tăng cường sự tin cậy và thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ nên chú trọng vào việc thiết kế và phát huy những ưu điểm đặc biệt của sản phẩm. Việc xây dựng một câu chuyện thương hiệu ấn tượng cũng sẽ góp phần tạo dựng niềm tin và sự gắn kết mạnh mẽ với người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng ưu điểm của từng bên để cạnh tranh một cách lành mạnh và cùng nhau phát triển.

Nguồn: https://znews.vn/trung-quoc-o-at-dung-tong-kho-tmdt-sat-bien-hang-hoa-viet-se-ra-sao-post1466068.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  
Email: contact@als.com.vn
Hotline: 1900 3133
Website: https://als.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/als.com.vn

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS