Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không

10.10.2024

Theo Bộ Tài chính, sau 6 năm thực hiện Nghị định số 44/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không và hơn 3 năm triển khai Quyết định số 2007/QĐ-TTg liên quan đến việc giao, quản lý các tài sản đã xuất hiện nhiều bất cập và hạn chế. Những vướng mắc này cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hiệu quả hơn trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) hàng không. 

Qua quá trình rà soát thực tế, Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc thực hiện các quy định hiện hành. Đáng chú ý, Nghị định số 44 chưa thực sự phù hợp với đặc thù của tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có thể tổ chức khai thác trực tiếp, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giao tài sản cho Cục Hàng không vẫn chưa thực hiện được do cơ quan này chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tổ chức, bộ máy và năng lực quản lý, vận hành tài sản.

Theo đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo Quyết định 2007 thay thế Cục Hàng không Việt Nam chỉ thực hiện khai thác trực tiếp đối với toàn bộ tài sản được giao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của ACV và chưa bao quát được đầy đủ về phạm vi, cũng như các phương thức khai thác tài sản. Vì vậy, cần phải điều chỉnh lại phạm vi khai thác tài sản (toàn bộ hoặc một phần) và bổ sung thêm các phương thức khai thác khác nhằm phù hợp hơn với tính chất đặc thù của việc quản lý tài sản tại các cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, việc tăng cường phân cấp và cải cách thủ tục hành chính trong quá trình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cũng là cần thiết.

Một vấn đề khác nảy sinh là một số hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không không còn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật hiện hành và thực tiễn. Chẳng hạn như việc sử dụng tài sản này để thanh toán cho nhà đầu tư trong các dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao hoặc bán tài sản. Ngoài ra, một số tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc đã được điều chỉnh quy hoạch ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhưng hiện chưa có cơ chế rõ ràng để chuyển giao những tài sản này về địa phương quản lý và xử lý theo quy định pháp luật về đất đai và quy hoạch. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung các quy định về phương thức xử lý, thẩm quyền, quy trình và thủ tục để phù hợp hơn với đặc thù tài sản và thực tiễn hiện nay.

Để đảm bảo việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thuận lợi hơn và khắc phục những hạn chế của Nghị định số 44, Bộ Tài chính đã soạn thảo một nghị định mới quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản này. Theo dự thảo, việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đảm bảo các yếu tố như: tài sản phải được thống kê, kế toán đầy đủ cả về hiện vật lẫn giá trị; tính toán chính xác mức hao mòn, khấu hao và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật. Việc giao tài sản cũng cần căn cứ vào quy hoạch, phân loại cảng hàng không, sân bay, các kế hoạch đầu tư và phát triển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp công trình kết cấu hạ tầng hàng không được xây dựng trên đất quốc phòng, việc giao, khai thác, bảo trì, nâng cấp hoặc xử lý công trình này phải có sự tham vấn từ Bộ Quốc phòng. Khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao, khai thác hoặc xử lý tài sản theo quy định của Nghị định này, nếu tài sản có liên quan đến quốc phòng theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự, cần có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Đối với các tài sản liên quan đến an ninh quốc gia, theo quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, thì ý kiến của Bộ Công an là bắt buộc. Trong trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng hay an ninh quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý hàng không và cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm xác minh trong hồ sơ trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về việc giao, khai thác, hoặc xử lý tài sản.

Source: https://haiquanonline.com.vn/thao-go-vuong-mac-trong-quan-ly-tai-san-ket-cau-ha-tang-hang-khong-190103.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS