Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng: Dự án trung tâm logistics mang tầm thế giới

28.05.2024

Theo quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2050, đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển thành các trung tâm dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính và logistics. Tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc phát triển các vùng kinh tế chiến lược trên cả nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình và dự án quan trọng trong thời gian tới.

Động lực phát triển hàng đầu

Quy hoạch xác định vùng đồng bằng sông Hồng là khu vực chiến lược quan trọng, đóng vai trò đầu tàu trong việc tái cấu trúc nền kinh tế. Vùng này sẽ trở thành động lực phát triển hàng đầu, tạo ra sự đột phá cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Sự phát triển của vùng phải tận dụng tối đa các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, cùng với các giá trị văn hóa, lịch sử. Các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế cũng như hệ thống đô thị sẽ được khai thác hiệu quả.

Việc phát triển và tái cơ cấu kinh tế vùng phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia sẽ được phát huy tối đa để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, và tuần hoàn. Điều này đảm bảo vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái và dẫn đầu cả nước.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Đảm bảo tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, liên kết nội vùng, liên vùng, cũng như trong khu vực và quốc tế. Chỉ có như vậy mới có thể tối đa hóa các lợi thế của vùng và tận dụng hiệu quả tác động lan tỏa từ các vùng động lực, cực tăng trưởng, các cảng quốc tế, các hành lang kinh tế khác. 

Đáng chú ý, theo quy hoạch, đến năm 2050, đồng bằng sông Hồng sẽ trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, có thu nhập cao. Đây sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đồng thời là trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các ngành công nghiệp sẽ phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao, chủ động trong nghiên cứu, thiết kế và chế tạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng năm 2023 đạt 6,28%. Đứng thứ 3 trong số 6 vùng kinh tế của cả nước, chỉ sau vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cao hơn 1,24 lần so với mức tăng trưởng trung bình cả nước (5,05%).

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP của cả nước, đứng thứ 2 trong số 6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ với 30,2%). GRDP bình quân đầu người của vùng đạt 131,9 triệu đồng, xếp thứ 2 toàn quốc (sau vùng Đông Nam Bộ với 166 triệu đồng).

Trong năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đồng bằng sông Hồng ước đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước, vượt qua vùng Đông Nam Bộ với ước tính 689 nghìn tỷ đồng.

Khu vực này cũng dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), ước đạt 17,382 tỷ USD, vượt xa vùng Đông Nam Bộ với 11,394 tỷ USD. Đặc biệt, 5 trong số 11 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Trong quý I/2024, GRDP bình quân của vùng đạt 6,2%, cao hơn mức bình quân cả nước là 5,66%. Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 94 nghìn tỷ đồng, bằng 37% dự toán, trong khi thu cân đối địa phương là 788 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước là 93 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 25.128 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch, so với cả nước là 17,5%.

Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và không đồng đều giữa các địa phương. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao. Các doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, có khả năng cạnh tranh thấp. Tổ chức không gian và bố trí lãnh thổ còn nhiều bất hợp lý, cùng với những ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu.

Tập trung nguồn lực cho phát triển trụ cột

Để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực và địa phương. Đồng thời giải quyết những hạn chế và thách thức hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong vùng để xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình này được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học và đúng quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc xây dựng quy hoạch các vùng trên cả nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình và dự án quan trọng trong thời kỳ quy hoạch."

Theo Quy hoạch, đến năm 2050, đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển thành các trung tâm dịch vụ lớn về thương mại, du lịch, tài chính và logistics, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, đạt tầm khu vực và thế giới.

Trước khi Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được thông qua, tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, với tinh thần hành động mạnh mẽ, sáng tạo và dám nghĩ dám làm, Hải Phòng đã đạt được sự phát triển vượt bậc và khẳng định vị thế là một trong những động lực tăng trưởng chính của cả nước. Để đạt được các mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch TP Hải Phòng đã đề ra ba hướng phát triển đột phá: phát triển cảng biển và dịch vụ logistics, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường phát triển du lịch.

Cụ thể, TP Hải Phòng sẽ trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, với cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn được phát triển thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Hải Phòng sẽ dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Khu du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn sẽ được xây dựng thành quần thể du lịch có sức hấp dẫn cao, kết hợp với Vịnh Hạ Long để trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế, liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.

Việc phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đã mở ra cơ hội mới cho Hải Phòng, tăng cường mối liên kết với các địa phương trong khu vực. Với nền tảng này, Hải Phòng đang trên đà phát triển thành một thành phố cảng biển lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thành phố sẽ dựa trên ba trụ cột chính: phát triển dịch vụ cảng biển và logistics; thúc đẩy công nghiệp xanh, thông minh và hiện đại; và xây dựng một trung tâm du lịch biển quốc tế. Hải Phòng đặt mục tiêu vươn lên trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu của châu Á và thế giới.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/quy-hoach-vung-dong-bang-song-hong-hinh-thanh-trung-tam-logistics-mang-tam-the-gioi-263188.html

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS