Phát triển kinh tế xanh thông qua logistics thủy nội địa

11.07.2025

Là cửa ngõ hàng hải chiến lược của khu vực phía Bắc, thành phố Hải Phòng đang đứng trước cơ hội quan trọng để phát triển hệ thống logistics thủy nội địa – một hướng đi không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về môi trường và giảm áp lực cho hạ tầng giao thông đường bộ.

Tiềm năng cần được khai thác hiệu quả

Hải Phòng sở hữu hệ thống sông ngòi phong phú, kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và nhiều khu công nghiệp trọng điểm. Mạng lưới đường thủy nội địa tại đây có tổng chiều dài gần 2.700 km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài toàn quốc – một lợi thế tự nhiên vượt trội đối với phát triển vận tải đường thủy.

Theo ông Lê Mạnh Cương – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng, vận tải thủy nội địa được coi là phương thức vận tải "xanh", thân thiện với môi trường. So với vận tải đường bộ, phương thức này tiêu tốn ít nhiên liệu hơn cho mỗi đơn vị hàng hóa vận chuyển, từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác – điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hải Phòng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thành phố hiện cũng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, sự gia tăng mạnh mẽ của xe tải và container ra vào khu vực cảng Hải Phòng đang đặt ra những thách thức lớn đối với hạ tầng giao thông. Việc chuyển đổi một phần luồng hàng sang đường thủy sẽ giúp giảm mật độ lưu thông phương tiện, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời kéo dài tuổi thọ của các tuyến đường bộ trọng yếu.

Một số doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vực này có thể kể đến như Công ty CP Vận tải container ven biển Macstar, Công ty TNHH Pan Hải An...

Lợi thế kinh tế vượt trội từ vận tải thủy

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Tạ Mạnh Dũng – Phó Giám đốc Công ty CP Kết nối GreenAI – cho biết: Trước đây, chi phí vận chuyển một container 40 feet bằng đường bộ từ cảng Hải Phòng đến các khu công nghiệp tại Ninh Bình dao động khoảng 4,5 triệu đồng. Nếu sử dụng phương thức vận tải thủy nội địa, chi phí giảm xuống còn khoảng 3,4 triệu đồng/container.

Đặc biệt, kể từ khi chính sách giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cảng biển được triển khai từ đầu năm 2023, chi phí vận tải thủy tiếp tục giảm thêm khoảng 230.000 đồng/container, đưa tổng chi phí xuống dưới 3,2 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch đáng kể, đủ sức hấp dẫn để các khách hàng xem xét và chuyển sang sử dụng phương thức vận tải thủy nhiều hơn, đồng thời góp phần giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ.

Định hướng phát triển bền vững

Trong thời gian qua, Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) cùng các doanh nghiệp thành viên đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của logistics thủy nội địa. Một trong những giải pháp trọng tâm được đề xuất là quy hoạch đồng bộ các trung tâm logistics, kho bãi vệ tinh gắn kết chặt chẽ với hệ thống cảng và khu công nghiệp, góp phần tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn vùng.

Theo PGS.TS Lê Thị Hương Giang – Phó Trưởng bộ môn Công trình Cảng, Khoa Công trình, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam – mặc dù tiềm năng rất lớn và lợi ích rõ ràng, vận tải thủy nội địa tại Hải Phòng vẫn gặp nhiều thách thức. Hạ tầng đường thủy còn thiếu đồng bộ; các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Để khắc phục, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào đội tàu, thiết bị bốc xếp hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực quản trị. Về phía chính quyền địa phương, cần tiếp tục đầu tư nạo vét, cải tạo tuyến luồng, phát triển cảng cạn và bến thủy nội địa hiện đại, đảm bảo khả năng kết nối thông suốt với cảng biển và khu công nghiệp.

Ngoài ra, việc duy trì và mở rộng các chính sách ưu đãi về thuế, phí và hỗ trợ đầu tư vào công nghệ vận hành cũng là yếu tố quan trọng. Cùng với đó, tăng cường hợp tác liên vùng giữa Hải Phòng và các tỉnh lân cận để hình thành mạng lưới logistics thủy nội địa liên kết hiệu quả, kết nối trực tiếp các trung tâm sản xuất với cảng biển.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải, giám sát hàng hóa và tối ưu hóa quy trình logistics cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Đòn bẩy chiến lược cho phát triển bền vững

Phát triển logistics thủy nội địa không chỉ là giải pháp trước mắt nhằm giảm tải giao thông đường bộ và bảo vệ môi trường, mà còn là chiến lược dài hạn để hiện thực hóa mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các hiệp hội chuyên ngành, tiềm năng to lớn của hệ thống vận tải thủy nội địa tại Hải Phòng chắc chắn sẽ được phát huy tối đa, góp phần tạo ra giá trị bền vững cho kinh tế - xã hội thành phố trong những năm tới.

Source: https://baohaiphong.vn/vi/kinh-te/kinh-te-xanh-tu-logistics-thuy-noi-dia-202567104304.htm

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS