Đại lý làm thủ tục hải quan được ví như “cánh tay nối dài” của cơ quan hải quan, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện các quy trình pháp lý, thủ tục hải quan một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hoạt động của các đại lý hải quan hiện nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, việc phát triển đại lý làm thủ tục hải quan theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và đáng tin cậy là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng hiện nay.
Trong thời gian qua, ngành hải quan Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan, với hơn 1.600 doanh nghiệp được công nhận. Tuy nhiên, xuất phát điểm với nhiều lý do khác nhau khiến số đại lý hải quan thực tế đang hoạt động hiện chỉ còn khoảng 1.200 đại lý. Về nhân viên đại lý hải quan, Tổng cục Hải quan đã cấp mã số cho khoảng 3.200 nhân viên đại lý hải quan, nhưng hiện tại con số này giảm xuống còn khoảng 1.700 nhân viên đang hoạt động. Con số này được đánh giá là vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đang gia tăng theo từng thời điểm.
Các đại lý hải quan và nhân viên chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương. Trong khi đó, một số địa phương như Đắk Lắk, Điện Biên, Hà Giang, Bình Phước có rất ít hoặc không có đại lý hải quan hoạt động gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng quan ngại đó là số lượng đại lý hải quan bị tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do không đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu như không có ít nhất một nhân viên đại lý hải quan, không tuân thủ đúng quy định về báo cáo tình hình hoạt động trong 03 quý liên tiếp. Ngoài ra còn tồn tại tình trạng nhiều đại lý hải quan chưa chú trọng đến việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động hải quan.
Mặc dù số lượng đại lý và nhân viên hải quan tương đối lớn nhưng việc sử dụng dịch vụ đại lý hải quan trong khai báo hải quan trong thực tế lại không cao như kỳ vọng. Thực tế, có đến gần 90% các thủ tục thông quan do các nhân viên đại lý hải quan thực hiện bằng hình thức lấy giấy giới thiệu từ doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu, sau đó dùng danh nghĩa doanh nghiệp để làm việc tại các Chi cục làm thủ tục hải quan. Chỉ có một số ít đại lý hải quan lớn có tiềm lực và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thực hiện đầy đủ các khâu từ tư vấn, khai báo, nộp thuế đến thông quan, kiểm tra sau thông quan.
Đại lý hải quan, khi được chủ hàng ủy quyền sẽ thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hải quan như: khai báo và truyền dữ liệu theo thông tin mà chủ hàng cung cấp, ký và đóng dấu lên tờ khai cùng các chứng từ liên quan đồng thời nộp và xuất trình hồ sơ cũng như hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra. Ngoài ra, đại lý còn có thể thay mặt chủ hàng nộp các loại thuế và phí liên quan, đệ trình khiếu nại, yêu cầu xét lại hoặc điều chỉnh các quyết định của cơ quan hải quan, và ký các biên bản làm việc có liên quan đến lô hàng xuất nhập khẩu.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan đang tập trung triển khai một số bước quan trọng để phát triển khối đại lý hải quan. Theo ông Đặng Thế Duyên, Trưởng phòng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cơ quan Hải quan đang xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để quản lý chính xác đại lý hải quan và nhân viên của họ. Hệ thống này sẽ làm cơ sở để ban hành bộ tiêu chí công nhận đại lý hải quan ưu tiên, sát thực với tình hình hoạt động và từ đó xây dựng chính sách ưu tiên cho các đại lý và nhân viên đủ điều kiện để được ưu tiên và chịu trách nhiệm đối với các hoạt động thông quan hàng hóa.
Cơ quan Hải quan cũng chú trọng vào việc tăng cường mối quan hệ giữa hải quan và doanh nghiệp đồng thời công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các hoạt động sẽ bao gồm thành lập Hiệp hội đại lý hải quan và Hội đại lý hải quan tại các tỉnh, thành phố, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội và cơ quan hải quan cũng như tổ chức các cuộc đối thoại thường niên đối thoại hải quan - doanh nghiệp - đại lý hải quan.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã xây dựng một kênh điện tử để trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn nhằm tránh tình trạng thất lạc thông tin và cải thiện quá trình gửi báo cáo, tham vấn. Cơ chế phối hợp trong động viên, khen thưởng, đào tạo nghiệp vụ và công khai danh sách đại lý hải quan, nhân viên đại lý hải quan cũng đang được xây dựng và hoàn thiện.
Tổng cục Hải quan cũng đang dần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ không chỉ các đại lý hải quan nói riêng và các chủ hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung hiện nay.
Ông Hoàng Quốc Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội: Vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất nhập khẩu
Trong thời điểm khó khăn vừa qua, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, vai trò của các doanh nghiệp logistics và đại lý hải quan càng trở nên rõ ràng hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Hoàng Quốc Quang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội, nhấn mạnh rằng cục Hải quan TP. Hà Nội thường xuyên tương tác và đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cùng các doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu. Mục tiêu là tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan và giải phóng hàng từ đó gia tăng lưu lượng hàng hóa làm thủ tục hải quan tại đơn vị.
Ông Đặng Thế Duyên - Trưởng phòng, Cục Giám sát, Quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan): Tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý
Hiện nay, nhiều chủ hàng và doanh nghiệp chọn phương thức khai thuê thay vì trực tiếp ký kết hợp đồng với đại lý hải quan - điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Những rủi ro bao gồm việc bên khai thuê không chịu trách nhiệm về các lỗi hoặc kiểm tra sau thông quan, có nguy cơ bị lợi dụng khi chủ hàng cung cấp chữ ký số cho người khai thuê dẫn đến việc khai báo cho các lô hàng không phải của mình hoặc hàng cấm, hàng vi phạm, tiếp tay buôn lậu... Mặc dù vậy do sự thiếu tin tưởng, ngại thủ tục, chi phí cao,… khiến chủ hàng vẫn đang lựa chọn hình thức này.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt (VINASME): Giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh
Để giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp cần đánh giá rõ bản chất, vai trò và vị trí của đại lý hải quan trong quy trình làm thủ tục hải quan. Điều này giúp phân định rõ sự khác biệt giữa các đại lý hải quan chuyên nghiệp được cấp phép và các cá nhân hoạt động tự do, tự phát.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các chính sách ưu tiên và ưu đãi nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục thông qua đại lý hải quan. Việc này sẽ hỗ trợ phát triển hoạt động của các đại lý hải quan tại Việt Nam theo một định hướng và lộ trình cụ thể nhất và cần được triển khai sớm trong thực tiễn.
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-tay-phat-trien-dai-ly-lam-thu-tuc-hai-quan-ho-tro-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-158719-158719.html