Luật giao thông mới 2025 tác động mạnh tới ngành logistics và chuỗi cung ứng

09.02.2025

Việc luật giao thông mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Mặc dù được kỳ vọng sẽ nâng cao tiêu chuẩn an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với các quy định mới. Theo báo cáo mới công bố của Công ty tư vấn CEL, chỉ 37% doanh nghiệp đã sẵn sàng, trong khi 63% chưa cập nhật hoặc chưa có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Nhận thức chưa đồng đều, sự chuẩn bị còn hạn chế.

Khảo sát trên 460 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, trong đó có 60,9% đến từ ngành logistics và chuỗi cung ứng, đã chỉ ra rằng gần một nửa số doanh nghiệp (44,7%) hoàn toàn không biết về luật trước khi được áp dụng. Ngay cả trong số những doanh nghiệp đã biết, chỉ 38,3% chủ động điều chỉnh từ trước, trong khi 17% dù nắm rõ quy định nhưng vẫn chưa có động thái thích ứng.

Sự chậm trễ trong việc tiếp cận thông tin và đánh giá tác động có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn đầu thực thi. Những doanh nghiệp có hệ thống vận hành phức tạp hoặc phụ thuộc nhiều vào vận tải đường dài đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do thiếu sự chuẩn bị kịp thời.
 

Áp lực chi phí và hiệu suất giao hàng suy giảm

Tác động của luật mới đã nhanh chóng thể hiện qua các chỉ số vận hành. Trong tháng đầu tiên, 52,5% doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng lên đến 10%, trong khi 67,5% phải đối mặt với thời gian giao hàng kéo dài hơn 10%. Tỷ lệ giao hàng đúng hạn cũng giảm sút, với chỉ 44,7% doanh nghiệp duy trì được mức 70-89%.

Chi phí vận hành bị đẩy lên do nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu tăng cường đội ngũ tài xế để đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn giờ lái xe. Đồng thời, mức phạt cao hơn khiến các công ty phải đầu tư vào phương tiện và quy trình giám sát để tránh vi phạm, dẫn đến gánh nặng tài chính lớn hơn.

Đáng chú ý, 80% doanh nghiệp báo cáo gián đoạn đáng kể đến hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải đường dài – nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thời gian lái xe bị hạn chế. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận tình trạng thiếu tài xế do những quy định khắt khe hơn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu và tiến độ giao hàng.

Khoảng 30% doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng đội xe hoặc thiết lập trạm đổi tài xế để đảm bảo vận hành liên tục. Trong khi đó, 10% doanh nghiệp chọn giải pháp điều chỉnh lịch trình giao hàng hoặc đặt trước phương tiện vận chuyển, với 12,5% khác tăng chi phí vận chuyển để bù đắp tác động. Chỉ 10% doanh nghiệp đang sắp xếp lại tuyến đường nhằm tối ưu hóa vận hành theo quy định mới, trong khi 15% tập trung vào đào tạo nhân viên để nâng cao khả năng tuân thủ mà không thay đổi quá nhiều trong mô hình hoạt động.

Những tín hiệu tích cực và cơ hội dài hạn

Mặc dù có nhiều thách thức ngắn hạn, các chuyên gia vẫn đánh giá luật mới mang lại những lợi ích đáng kể trong dài hạn. Việc siết chặt giới hạn giờ lái xe và nâng mức phạt vi phạm giao thông có thể giúp giảm tai nạn, đảm bảo an toàn lao động và giảm chi phí liên quan đến rủi ro tai nạn.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn khí thải mới cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, áp lực từ các quy định mới đang thúc đẩy ngành logistics ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn. Các giải pháp như hệ thống lập kế hoạch tuyến đường tự động, theo dõi thời gian thực và quản lý dữ liệu thông minh có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, cải thiện hiệu suất giao hàng và giảm chi phí dài hạn.

Cần có lộ trình hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp

Dù tiềm năng cải thiện của luật giao thông là không thể phủ nhận, việc thực thi đột ngột đang khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn. 37,5% doanh nghiệp hiện vẫn trong giai đoạn lập kế hoạch điều chỉnh hoặc chưa có sự thích ứng rõ ràng, điều này có thể tiếp tục gây ra gián đoạn trong thời gian tới.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có các biện pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để giảm bớt áp lực lên doanh nghiệp. Các chính sách như triển khai thí điểm trước khi áp dụng toàn diện, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ để nâng cấp phương tiện và cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về tuân thủ quy định có thể giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ trong việc điều chỉnh khung pháp lý để phù hợp với thực tế vận hành là điều cần thiết. Việc điều chỉnh linh hoạt một số quy định trong giai đoạn đầu có thể giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng mà vẫn đảm bảo được mục tiêu an toàn và phát triển bền vững.

Luật giao thông mới năm 2025 đang tạo ra những thách thức ngắn hạn đối với ngành logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là về chi phí và hiệu suất giao hàng. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu được triển khai hợp lý, luật này có thể mang lại lợi ích đáng kể về an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy hiện đại hóa ngành logistics.
Để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, giúp ngành logistics không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Source: https://vneconomy.vn/luat-giao-thong-moi-2025-tac-dong-manh-toi-nganh-logistics-va-chuoi-cung-ung.htm

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS