Tỉnh Lạng Sơn có vị trí chiến lược là cửa ngõ giao thương lớn nhất qua biên giới phía Bắc, đang được Bộ Công Thương đề xuất trở thành một khu thương mại tự do, tương tự các trung tâm logistics hàng đầu như Đà Nẵng, Hải Phòng hay Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Báo cáo Logistics Việt Nam vừa công bố, Bộ Công Thương nhận định rằng không chỉ các địa phương ven biển đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, mà các khu vực biên giới như Lạng Sơn – nơi sở hữu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng cần được chú trọng phát triển.
Với lợi thế giáp Trung Quốc, Lạng Sơn là điểm trung chuyển lớn của hàng hóa xuất nhập khẩu và là cửa ngõ giao thương chiến lược, hội tụ đầy đủ tiềm năng để hình thành khu thương mại tự do, thúc đẩy tăng trưởng logistics toàn diện.
Theo Bộ Công Thương, Lạng Sơn đóng vai trò là trung tâm giao thương quan trọng, kết nối Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia ASEAN thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt, tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thống kê đến hết tháng 10 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt khoảng 52,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch hàng hóa làm thủ tục tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 4,47 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 12,7%.
Nhờ vị trí cửa khẩu quốc tế, Lạng Sơn sở hữu tiềm năng lớn trong việc thu hút giao thương biên giới và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc xây dựng khu thương mại tự do tại đây sẽ góp phần tăng cường năng lực logistics, đẩy mạnh trung chuyển hàng hóa. Đồng thời thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển mạnh mẽ hơn.
Cơ quan quản lý đánh giá, hệ thống hạ tầng cửa khẩu tại Lạng Sơn đang được đầu tư mạnh mẽ với việc trang bị các máy soi chiếu hiện đại, kết hợp công nghệ phần mềm và camera từ các đối tác lớn để tăng cường quản lý. Đồng thời, lộ trình tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo cũng được đặt ra nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành.
Về giao thông, Lạng Sơn đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng với việc nâng cấp và xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc như dự án Chi Lăng - Hữu Nghị cùng hệ thống đường sắt liên kết, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tạo kết nối hiệu quả hơn với các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và cải cách thủ tục hải quan đang được triển khai mạnh mẽ tại Lạng Sơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nguồn vốn và góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Để tăng cường thương mại biên giới, Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá. Trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu và xây dựng các mô hình cửa khẩu kiểu mẫu.
Từ năm 2022, tỉnh đã đưa vào vận hành nền tảng cửa khẩu số, liên tục nâng cấp hệ thống để hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Song song đó, Lạng Sơn cũng khuyến khích các doanh nghiệp logistics ứng dụng chuyển đổi số và các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành chuỗi cung ứng.
Tỉnh Lạng Sơn đang tích cực thúc đẩy các dự án logistics quan trọng nhằm nâng cao năng lực giao thương và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Các dự án tiêu biểu bao gồm khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất số 1. Hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan hiện đang được triển khai khẩn trương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đây được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình tiên tiến, giúp tối ưu hóa quy trình thông quan và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động giao thương xuyên biên giới.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam đang chủ động tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình quốc tế về khu thương mại tự do. Đây được coi là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đà phát triển cho lĩnh vực logistics.
Theo ông Diên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nghiên cứu và triển khai mô hình khu thương mại tự do không chỉ giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội từ thương mại toàn cầu, mà còn tạo điều kiện để ngành logistics mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng quốc tế. "Triển khai sớm mô hình này sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế trong khu vực, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng kết nối giao thương," ông nhấn mạnh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/khu-thuong-mai-tu-do-giai-phap-thuc-day-tang-truong-logistics-o-lang-son-20241203180646444.htm
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬