Trước những biến động khó lường của thị trường thương mại toàn cầu và các thay đổi về chính sách thuế quan, giá cước vận chuyển hàng không quốc tế đang có dấu hiệu giảm. Theo báo cáo mới công bố từ Xeneta – đơn vị phân tích thị trường vận tải hàng đầu, mức giá trung bình toàn cầu trong tháng 5/2025 đã giảm xuống còn 2,44 USD/kg, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là đợt điều chỉnh giảm đầu tiên trong vòng một năm qua.
Đáng chú ý, trong khi giá cước giảm, sản lượng vận chuyển hàng không lại tăng 6% so với năm trước, phản ánh sự mất cân đối tạm thời giữa cung và cầu trên thị trường.
Tuyến vận tải hàng không từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, đến ngày 1/6, giá cước giao ngay trên tuyến này đã phục hồi, đạt 4,31 USD/kg, tăng 14% so với mức đáy ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 11/5. Mức tăng này được lý giải là do các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động “gom hàng sớm” trước khi chính sách miễn thuế 90 ngày kết thúc.
Ông Niall van de Wouw, Giám đốc phụ trách mảng vận tải hàng không của Xeneta, nhận định rằng thị trường đang chịu sức ép từ tâm lý phòng thủ của các hãng bay và khách hàng, khi triển vọng thương mại toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. “Khi hoạt động thương mại ổn định trở lại, nhu cầu sử dụng đường hàng không giảm thì giá cước có thể tiếp tục điều chỉnh giảm thêm”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã gia hạn thời gian áp dụng thuế thêm 90 ngày trong tháng 5, động thái này được đánh giá là “quá muộn” để tạo ra sự đảo chiều đáng kể cho giá cước. Ông van de Wouw nhấn mạnh: “Tác động của thuế quan thường vượt xa chi phí vận chuyển – đây là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp chọn vận tải hàng không để né thuế”.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định, các hãng hàng không được dự báo sẽ chủ động đàm phán linh hoạt hơn về cước phí để duy trì sản lượng ổn định.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường là việc Hoa Kỳ chấm dứt chính sách miễn thuế “de minimis” từ ngày 2/5, làm giảm mạnh lượng hàng giá trị thấp nhập khẩu từ Trung Quốc và Hong Kong. Kết quả là công suất vận chuyển hàng không bị dư thừa cục bộ, buộc một số hãng bay phải điều chỉnh lịch trình và tái cơ cấu mạng lưới vận tải.
Xeneta cũng ghi nhận hiện tượng chuyển dịch chuỗi cung ứng, khi một số nhà sản xuất bắt đầu rời Trung Quốc để tìm đến các quốc gia có mức thuế thấp hơn khi xuất khẩu vào Mỹ. Dù tuyến bay không thay đổi đáng kể, điểm xuất phát của hàng hóa đã và đang dần dịch chuyển nhằm thích ứng với môi trường thuế mới.
Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ chứng kiến một đợt gia tăng sản lượng ngắn hạn khi doanh nghiệp đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa trước thời điểm kết thúc miễn thuế – cụ thể là ngày 9/7 với phần lớn quốc gia và ngày 13/8 với Trung Quốc.
Xu hướng “frontloading” (gom hàng sớm) không chỉ xảy ra trong vận tải hàng không mà còn được ghi nhận trong vận tải biển, với sản lượng tại cảng Los Angeles tăng đột biến trong tháng 3/2025.
Theo phân tích từ Xeneta, diễn biến của thị trường container có thể là tín hiệu sớm cho xu hướng của vận tải hàng không, do chu kỳ vận chuyển dài hơn. Ông van de Wouw kết luận: “Ngay cả khi đạt được thỏa thuận thương mại, chúng tôi không kỳ vọng nhu cầu vận tải hàng không sẽ tăng thêm; ngược lại, nó có thể giảm nếu các yếu tố thuế quan được giải quyết ổn thỏa”.
Source: https://vnexpress.net/cuoc-van-chuyen-hang-khong-toan-cau-giam-4905469.html