Tháng 10/2025, Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA World Congress 2025), sự kiện quan trọng quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Trong cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, sự kiện khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành logistics.
- "Thưa ông, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong xu thế đó, theo ông, kinh tế xanh giữ vai trò gì đối với nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng?"
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, kinh tế xanh không chỉ dừng lại ở một xu thế mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết, đóng vai trò cốt lõi trong việc kiến tạo một nền kinh tế bền vững và linh hoạt. Để duy trì lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, Việt Nam cần đẩy mạnh tối ưu hóa tài nguyên, cắt giảm phát thải carbon và thực thi các cam kết về trách nhiệm xã hội.
Riêng đối với ngành logistics, kinh tế xanh là một hướng đi chiến lược mà, là chìa khóa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nền tảng cho chuỗi cung ứng phát triển theo hướng bền vững.
Diễn đàn Logistics Quốc gia 2024 tổ chức vào đầu tháng 12 tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhận được 7 nhóm giải pháp cốt lõi từ Chính phủ bao gồm: nâng cấp và đồng bộ hóa hạ tầng logistics, đẩy mạnh số hóa và chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tối ưu hóa kết nối vận tải đa phương thức, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là đẩy nhanh quá trình xanh hóa ngành logistics.
Những giải pháp này định hình lộ trình phát triển, đóng vai trò nền tảng giúp ngành logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- "Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn đến phát triển kinh tế xanh, thể hiện qua việc lồng ghép các chiến lược này vào nhiều kế hoạch và chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá ra sao về mức độ 'xanh hóa' trong hoạt động của ngành logistics hiện nay?"
Nhận thức về logistics xanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã chủ động triển khai các giải pháp thân thiện với môi trường như sử dụng phương tiện vận tải ít phát thải, ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa tuyến đường, giảm tiêu hao nhiên liệu và nâng cao hiệu suất vận hành.
Một số cảng biển của các doanh nghiệp thành viên VLA đã đạt chứng nhận “Xanh” từ các tổ chức quốc tế. Trong khi một số doanh nghiệp khác bắt đầu thực hiện kiểm kê lượng phát thải carbon và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc ứng dụng logistics xanh trên thực tế vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa phổ biến rộng rãi, và Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi này.
Khảo sát do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện từ tháng 8/2023 đến tháng 7/2024 đã hé lộ một số thực trạng đáng lo ngại. Dù nhận thức về logistics xanh ngày càng gia tăng, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa chủ động thực hiện các cam kết về môi trường.
Cụ thể, 12,5% doanh nghiệp vẫn chưa triển khai bất kỳ chính sách hay quy trình sản xuất xanh nào, trong khi 87,5% đã và đang có kế hoạch hướng đến các giải pháp bền vững. Tuy nhiên, phần lớn trong số này chưa xác định rõ mốc thời gian cụ thể để thực hiện cam kết. Đáng chú ý, có tới 65,63% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, trong khi chỉ 34,37% đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai các giải pháp xanh.
- "Phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay thuận theo tự nhiên giờ đây không còn chỉ là một lựa chọn hay lời khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia. Đối với ngành logistics, theo ông, đâu là những cơ hội và thách thức lớn nhất trong quá trình xanh hóa?"
Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi xu hướng xanh hóa đang trở thành yêu cầu tất yếu trên toàn cầu. Các quy định quốc tế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi bền vững trong lĩnh vực này.
Về mặt chính sách, Nhà nước đã bắt đầu lồng ghép các yếu tố xanh vào chiến lược phát triển logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với xu thế mới. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đang cung cấp nguồn tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình dịch chuyển sang mô hình logistics thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA World Congress 2025 – FWC 2025), dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2025, sẽ là một cú hích quan trọng cho ngành logistics Việt Nam. Với chủ đề "Green and Resilient Logistics" (Logistics xanh, thích ứng nhanh), sự kiện không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội để tiếp cận những xu hướng mới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và thúc đẩy hợp tác trong ngành.
Đây sẽ là diễn đàn kết nối giữa các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo động lực thúc đẩy quá trình xanh hóa logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới một nền kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, quá trình xanh hóa logistics vẫn đối mặt với không ít thách thức. Rào cản lớn nhất nằm ở chi phí đầu tư cao, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp. Hạ tầng logistics tại Việt Nam, từ hệ thống giao thông đến kho bãi, vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đồng bộ để hỗ trợ hiệu quả cho các giải pháp bền vững. Một vấn đề khác là nhận thức chưa đồng đều trong cộng đồng doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp vẫn xem xanh hóa logistics như một khoản chi phí phát sinh thay vì một khoản đầu tư chiến lược mang lại giá trị dài hạn.
Chính vì vậy, VLA định hướng FWC 2025 trở thành một diễn đàn quốc tế để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến trình xanh hóa logistics tại Việt Nam.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, FWC 2025 diễn ra vào tháng 10/2025 không chỉ là dịp để Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình xanh hóa logistics, đáp ứng xu thế phát triển bền vững của thời đại."
- "Theo ông, đâu là những giải pháp cần thiết để đẩy nhanh quá trình xanh hóa logistics và hướng tới một chuỗi cung ứng bền vững?"
Xanh hóa logistics không chỉ bắt đầu từ việc thay đổi quy trình vận hành mà quan trọng hơn là từ nhận thức và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Khi đã xác định được định hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể từng bước triển khai các giải pháp cụ thể.
Một trong những bước đi quan trọng là đánh giá lại phương thức vận chuyển hiện tại để lựa chọn các giải pháp tối ưu hơn. Điều này có thể bao gồm việc chuyển đổi sang các phương thức vận tải thân thiện với môi trường hơn, như điều chỉnh lộ trình nhằm giảm phát thải carbon hoặc cân nhắc thay thế vận tải hàng không bằng các phương án tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên, quá trình này không tránh khỏi những thách thức, chẳng hạn như việc thay đổi tuyến vận chuyển có thể kéo dài thời gian giao hàng hoặc làm gia tăng chi phí.
Ngoài ra, đầu tư vào công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy xanh hóa logistics. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh sử dụng phương tiện chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch, đồng thời ứng dụng các giải pháp công nghệ số nhằm tối ưu hóa hành trình, giảm thiểu phát thải. Việc tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng cũng đóng vai trò quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong hệ sinh thái logistics phối hợp chặt chẽ hơn, tối ưu nguồn lực và hạn chế lãng phí. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về logistics xanh sẽ là nền tảng để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình chuyển đổi.
Song song với nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ Nhà nước là yếu tố không thể thiếu. Chính phủ cần triển khai các chính sách ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp xanh. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hạ tầng logistics, phát triển cảng xanh và đẩy mạnh giao thông đa phương thức cũng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Đồng thời, một khung pháp lý đồng bộ với các tiêu chuẩn xanh rõ ràng, quy định giảm phát thải và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sẽ giúp định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững theo xu thế toàn cầu.
- “Về phía VLA, đâu là những bước đi cụ thể để thúc đẩy quá trình xanh hóa logistics, thưa ông?”
Chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang logistics xanh. Một trong những hoạt động trọng tâm là phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu về logistics bền vững, giúp doanh nghiệp cập nhật kiến thức và xu hướng mới nhất.
Trong thời gian tới, VLA cũng sẽ phát động các sáng kiến xanh trong cộng đồng doanh nghiệp logistics, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào vận hành và xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai dự án ESG nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các hoạt động trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc và bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, trong khuôn khổ FWC 2025, VLA sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để mang đến những kinh nghiệm thực tiễn từ các thị trường tiên tiến,
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/fiata-world-congress-2025-nen-tang-thuc-day-chuyen-doi-xanh-logistics-post403227.html
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬