Đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics của vùng

16.10.2024

Ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và kết nối toàn bộ chuỗi hoạt động từ sản xuất, xuất nhập khẩu, đến phân phối và tiêu dùng, góp phần gia tăng giá trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiểu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này, Bắc Giang đã đưa ra quy hoạch chiến lược và tập trung nguồn lực, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics chủ chốt của khu vực trong thời gian tới.

Bước đầu triển khai một số dự án

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics và thương mại của khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã tập trung vào chiến lược thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng logistics. Các địa bàn chiến lược cho phát triển logistics như TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên cùng các huyện Yên Dũng, Lạng Giang và Hiệp Hòa đã được quy hoạch tại các vị trí có lợi thế giao thông rõ rệt. Những khu vực này nằm gần các trục giao thông lớn như cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, cũng như các tuyến đường thủy quan trọng dọc sông Thương, sông Cầu và các quốc lộ trọng yếu của tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được nâng cấp và mở rộng đồng bộ, tạo sự kết nối thông suốt cho hoạt động vận tải hàng hóa. Nhờ đó, bước đầu Bắc Giang đã thu hút được một số nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics. Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho 4 dự án đầu tư logistics nằm ngoài phạm vi các khu công nghiệp (KCN), với tổng số vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cho thuê nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và lưu trữ hàng hóa, thuộc nhóm ngành logistics, với tổng vốn đăng ký đạt 110,913 triệu USD. Đáng chú ý, Dự án Trung tâm Kho vận Bắc Giang 1 của Công ty TNHH Bắc Giang Logistics Park 1 (Việt Nam) được triển khai tại KCN Hòa Phú có tổng mức đầu tư gần 54 triệu USD và sử dụng diện tích đất 16,2 ha.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành và một số nhà đầu tư đã bắt đầu tìm hiểu, khảo sát để thuê nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư nào bày tỏ quan tâm đến việc thuê kho bãi cho các hoạt động dịch vụ logistics. Dự án Trung tâm kho vận Bắc Giang 2 của Công ty TNHH Bắc Giang Logistics Park 2 (Việt Nam) đang trong giai đoạn xây dựng với số vốn đăng ký gần 57 triệu USD và diện tích sử dụng 16,2 ha tại KCN Hòa Phú. Song song đó, Bưu Điện tỉnh Bắc Giang cũng đang tiến hành dự án Trung tâm Khai thác vận chuyển hàng hóa Bưu điện tỉnh tại thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê, TP Bắc Giang. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) cho hai dự án lớn. Đó là Cảng cạn kết hợp thương mại dịch vụ logistics và đô thị cảng Sen Hồ tại các phường Nếnh, Hồng Thái, Quảng Minh; cùng với Dự án Trung tâm logistics tại phường Ninh Sơn và xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên.

Bên cạnh các dự án đã đề cập, trước đó, dự án hạ tầng và kho bãi của Trung tâm Logistics quốc tế TP Bắc Giang cũng đang được triển khai tại xã Song Khê. Tuy nhiên, tiến độ của dự án diễn ra khá chậm. Hiện tỉnh đang tích cực chỉ đạo doanh nghiệp tăng cường bố trí nguồn lực nhằm sớm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác.

Xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực

Hiện tại, do ngành Thống kê chưa có các chỉ số tổng hợp riêng về dịch vụ logistics, nên vẫn chưa thể đánh giá cụ thể mức độ đóng góp của lĩnh vực này vào nền kinh tế Bắc Giang trong năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, dịch vụ logistics đang chiếm tỷ trọng khoảng 4% - 5% GDP cả nước. Bắc Giang có lợi thế lớn nhờ vị trí trên hành lang kinh tế chiến lược Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng với tuyến quốc lộ 1 đi qua, giúp tỉnh trở thành "cửa ngõ kép". Những điều kiện này tạo nền tảng thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ ngành logistics của địa phương. Để tận dụng tiềm năng này, việc thu hút đầu tư và tạo điều kiện thúc đẩy ngành logistics phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Sở Công Thương, giải pháp then chốt để phát triển dịch vụ logistics là cần lập kế hoạch tổng thể, phân bổ quỹ đất hợp lý và huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào hạ tầng thương mại và hạ tầng số hỗ trợ hoạt động logistics. Bên cạnh đó, việc tăng cường xúc tiến đầu tư, đặc biệt là trong mảng hạ tầng logistics và kho bãi được coi là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh cũng đang chú trọng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn, đặc biệt là những công ty đa quốc gia nhằm thúc đẩy các dự án logistics có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến và có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỉnh cũng khuyến khích sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, tạo sự lan tỏa tích cực, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của ngành logistics.

Song song với các giải pháp trên, các ngành chức năng đang phối hợp triển khai các dự án hạ tầng giao thông mang tính liên vùng, bao gồm các trục kết nối các trung tâm dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Các dự án tiêu biểu như cao tốc Nội Bài - Hạ Long đoạn qua Bắc Giang và đường vành đai 5 Thủ đô Hà Nội. Tỉnh cũng tập trung khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, đẩy mạnh liên kết để Bắc Giang trở thành trung tâm logistics quan trọng của khu vực. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cảng, kho bãi đã được phê duyệt cũng là nhiệm vụ cấp bách, nhằm sớm đưa các hạng mục này vào vận hành.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, đơn vị này đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 163 ngày 30/12/2017 về kinh doanh dịch vụ logistics, đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics. UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương tham mưu và trình kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, sau khi Chiến lược này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Source: https://baobacgiang.vn/dua-bac-giang-tro-thanh-dau-moi-logistics-cua-vung-111515.bbg 

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS