Đối tác Apple sang Việt Nam mở lab ‘làm tổ đón đại bàng’

27.08.2024

Trước tình hình nhiều nhà sản xuất Mỹ đang dần chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, một đối tác của Apple vừa khai trương phòng thí nghiệm điện tử tại Hà Nội.

Tại Hà Nội, một trung tâm nghiên cứu và đổi mới công nghệ đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này được đặt tên là Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật, do 3M - đối tác chuyên cung cấp linh kiện cho Apple - sáng lập. Đây là nơi thử nghiệm và giới thiệu các sản phẩm và vật liệu mới được sử dụng làm linh kiện đầu vào cho ngành công nghiệp điện tử.

Trong sự kiện này, Amit Laroya - Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á của 3M phụ trách mảng Giao thông và Điện tử chia sẻ, rất nhiều nhà sản xuất đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp từ Mỹ đang có xu hướng đổ vốn đầu tư vào Việt Nam.

“Khi các công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam, họ kỳ vọng các doanh nghiệp phụ trợ sẽ sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi. Đây chính là lý do khiến chúng tôi đã và đang có mặt tại đây, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của làn sóng dịch chuyển kinh tế này,” ông Amit Laroya cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam nằm ở yếu tố con người. Với thế hệ trẻ đầy năng lượng và khát vọng cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ những yếu tố khiến các doanh nghiệp Mỹ quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Hiện tại, Việt Nam đã nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh. Theo Báo cáo Thương mại Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu điện thoại di động và xếp thứ năm về xuất khẩu máy tính và phụ kiện.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử của Việt Nam ước tính đạt khoảng 127 tỷ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực phần cứng và điện tử ghi nhận giá trị xuất siêu gần 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, một nghịch lý đáng chú ý là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại đóng vai trò chính trong sản xuất hàng điện tử tại Việt Nam. Phần lớn các công ty trong nước chỉ tham gia vào khâu lắp ráp với biên lợi nhuận mỏng và giá trị gia tăng thấp. Sự thiếu vắng của các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Để cải thiện tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, ông Amit Laroya nhận định rằng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã bắt đầu phát triển. Ông chỉ ra rằng khu vực quanh Hà Nội hiện có rất nhiều khu công nghiệp với các nhà máy sản xuất đồ điện tử. Điều này cho thấy tiềm năng tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của một hành trình dài. Theo thời gian, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam sẽ dần dần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và phát triển bền vững hơn.

Một yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử là việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng tới.

"Cần thiết phải có sự hợp tác giữa các công ty sản xuất và các trường đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn và điện tử. Cần bắt đầu đào tạo ngay từ bây giờ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các nhà sản xuất nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của ngành là rất quan trọng," ông Amit Laroya nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những bước tiến lớn về năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên đồng hành với các nước phát triển.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để thu hút đầu tư. Đồng thời xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

“Việt Nam đang hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen và hạ tầng đồng bộ... Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Mỹ có nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Nguồn: https://nguoiquansat.vn/doi-tac-apple-sang-viet-nam-mo-lab-lam-to-don-dai-bang-151087.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS