Các chuyên gia nhận định, mắc dù còn phải đối mắt với nhiều rủi ro, tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhanh và tiến tới phục hồi hoàn toàn thị trường hàng không nội địa cho đến hết năm 2023, thậm chí có sự tăng trưởng cao hơn so với giai đoạn trước dịch (2019). Mảng Hàng không Quốc tế cũng sẽ hồi phục ở mức tương đương năm 2019.
Hội thảo Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức Hàng không Việt mới đây, các chuyên gia đều có chung một quan điểm đó là: Ngành Hàng không của chúng ta đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho hay:
“Hàng không là ngành nhạy cảm với khủng hoảng và dịch bệnh, mặc dù nhìn chung tình hình dịch bệnh trên toàn cầu đã được kiểm soát song vẫn không thể loại bỏ khả năng bùng phát lại hoặc phát sinh các dịch bệnh mới trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của ngành Hàng không”.
Tiếp đó là rủi ro về tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức thấp (khoảng 2%), trong khi đó lạm phát vẫn ở mức cao (5,2%). Một số nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng suy thoái. Điều này sẽ có những tác động đến Việt Nam, đặc biệt ở vấn đề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không hay khả năng đi lại.
Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ sở hạ tầng Hàng không cũng là một rủi ro trước mắt. Hiện tại, công suất phục vụ hành khách của cả 22 cảng hàng không (được thiết kế với quy mô 96 triệu lượt khách/năm) đều đã vượt quá mức tiêu chuẩn. Điều này gây ra những tình trạng về tắc nghẽn, hay làm tăng thời gian xử lý hàng hóa, thủ tục cho hành khách rất cao (đặc biệt ở các trung tâm lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh). Dự kiến theo quy hoạch 2021 – 2030, chúng ta có thêm 6 cảng hàng không mới và nâng cấp 22 cảng hàng không hiện tại thành tổng công 28 cảng hàng không với công suất phục vụ lên tới 283 triệu hành khách, đảm bảo 95% dân số có thể tiếp cận tới Cảng Hàng không trong phạm vị 100km. Tuy nhiên đây là câu chuyện tính toán trong tương lại, còn những hạn chế thì đang ở ngay trước mắt.
Với việc Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng không tiềm năng nhất Đông Nam Á, khiến cho áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các doanh nghiệp Hàng không Quốc tế, các doanh nghiệp Việt sẽ mất dần sự bảo hộ của Chính phủ. Đây cũng là rủi ro cạnh tranh mà các doanh nghiệp Hàng không cần đối mặt.
Ngoài ra, chúng ta còn phải đối mặt với rủi ro từ sự biến động từ giá cả nhiên liệu đầu vào, khi biên độ giao động lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường Quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động chung của các doanh nghiệp Hàng không nội địa.
Số liệu thống kê về các hãng hàng không nội địa năm 2022 cho thấy:
- Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines (VNA) đạt 70.579 tỷ đồng tăng 153% so với năm trước. Tuy nhiên giá vốn của công ty này tới 73.204 tỷ đồng và tăng 93% cùng với chi phí lãi vay tăng 44% khiến VNA vẫn bị lỗ nặng.
- Bamboo Airway và Vietjet Air “đỡ” lỗ hơn khi ghi nhận các khoản lỗ lần lượt là 3.500 tỷ đồng (chỉ sau 9 tháng đầu năm 2022) và 2.172 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ việc ngành Hàng không phục hồi năm 2022 khiến cho nhóm cổ phiếu ngành hàng không mặc dù giảm 11% nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm chung lên tới 32,7% của toàn thị trường.
Trên thực tế, các chuyên gia đều nhận định lạc quan về khả năng tăng trưởng của ngành Hàng không ở Việt Nam. Điều này dựa trên nhiều căn cứ:
- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 dự báo ở mức 6 – 6.5% (cao hơn so với mức chung của thế giới chỉ là 2%)
- Quy mô dân số nước ta đông thức 3 trong khu vực ASEAN với khoảng 100 triệu dân
- Thị trường Hàng không lớn nhưng với chỉ có 5 hãng hàng không hoạt động
- GDP đầu người và mức thu nhập của người dân ngày càng tăng
- Dòng vốn FDI tăng trưởng khá, thúc đẩy nhu cầu di chuyên và vận tải hàng hóa đường hàng không
Thêm vào đó, Việt Nam đang trở thành một trung tâm gia công – sản xuất toàn cầu. Chúng ta ngày càng tiến sâu hơn vào Chuỗi giá trị sản xuất Toàn cầu với những mặt hàng giá trị cao (sử dụng vận tải đường hàng không) như: điện thoại, laptop, các mặt hàng máy vi tính, điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị chụp ảnh, quay phim, …
Lượng khách du lịch tới Việt Nam dự báo cũng sẽ phục hồi lại trước mức đại dịch.
Tháng 1/2023, lượng khách Quốc tế tới Việt Nam đạt 871.200 lượt, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44.2 lần so với cùng kỳ năm trước (do nước ta đã mở cửa lại du lịch và khôi phục lại các đường bay).
Tổ chức du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo khách du lịch Quốc tế tới Việt Nam sẽ đạt khoảng 80 – 95% so với thời điểm trước đại dịch.
Trong năm 2023, dự báo tỷ giá tại Việt Nam sẽ vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, phù hợp và ổn định, tăng trưởng khoảng 2 – 3% năm 2023, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp Hàng không; giá nhiên liệu trong năm 2023 cũng có xu hướng giảm so với năm 2022.
Ở phía Nhà nước, Chính Phủ và Bộ GTVT có những động thái quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Về dài hạn, hành động đó tạo điều kiện chung cho ngành Hàng không có thể phát triển.
Từ những cơ hội nêu trên, dự báo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ngành Hàng không nội địa sẽ có mức tăng trưởng nhanh. Cụ thể, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách, 1.44 triệu tấn hàng hóa.
- Vận chuyển nội địa đạt 45.5 triệu khách (tăng 22% so với năm 2019), vận chuyển nội địa đạt 230.000 nghìn tấn (bằng 85% so với năm 2019)
- Vận chuyển Quốc tế đạt 34 triệu khách (bằng 83.5% so với năm 2019), vận chuyển hàng hóa Quốc tế đạt 1.23 triệu tấn (tăng 22,4% so với năm 2019)
* 2019: là dữ liệu so sánh tại thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.
Trên đây là điểm tin nhanh về dự báo của các chuyên gia về khả năng tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam trong năm 2023. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm được nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Theo dõi và thu thập thêm nhiều thông tin chính xác, hữu ích về thị trường Logistics Việt Nam tại ALS.
(Bài viết được tổng hợp từ CafeF).