Doanh nghiệp logistics Việt Nam: Tăng trưởng khả quan, lo toan nhân lực

15.05.2024

Ngành logistics tại Việt Nam được đánh giá là một lĩnh vực đầy tiềm năng, đang trở thành điểm nóng thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân lực. Sự thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng người lao động đã cản trở khả năng khai thác hiệu quả các cơ hội để phát triển.

Hạn chế năng lực tiếp cận cơ hội

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64 trên tổng số 160 quốc gia về mức độ phát triển logistics và xếp thứ tư trong ASEAN, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 34.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và được xếp hạng 11 trong số 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành logistics đối với nền kinh tế quốc gia. Ông cho biết ngành này đang chứng kiến mức tăng trưởng ổn định từ 14-16% hàng năm với quy mô đạt 40-42 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, dịch vụ logistics sẽ đóng góp 8-10% vào GDP và tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ đạt 15-20%. Để thực hiện được những mục tiêu này, phát triển nguồn nhân lực được xem là giải pháp hàng đầu và cấp thiết.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành logistics, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị đào tạo tại Việt Nam đã đẩy mạnh việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường. Tính đến tháng 10 năm 2021, có tới 49 trường đại học trong cả nước tuyển sinh và đào tạo các ngành chuyên môn liên quan đến logistics, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 4.100 sinh viên và số lượng đang theo học khoảng 7.000 sinh viên.

Bên cạnh đó, hệ thống các trường cao đẳng và trung cấp cũng khá đông đảo. Với 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo ngành nghề này. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.

Tuy nhiên, dù có sự nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đánh giá rằng tình trạng nhân lực mỏng và thiếu kỹ năng đang hạn chế khả năng tiếp cận và khai thác các cơ hội trên thị trường. Dự kiến trong ba năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động. Trong khi ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ khác sẽ cần hơn 1 triệu nhân sự có kỹ năng chuyên môn về logistics.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Theo thống kê, nguồn cung lao động hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế của ngành.

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, đến năm 2030, nước ta sẽ cần trên 200.000 nhân sự trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu thị trường, với chỉ 5 - 7% trong số những người làm việc trong ngành này được đào tạo bài bản.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam dự báo rằng đến năm 2030, ngành logistics của Việt Nam sẽ cần bổ sung thêm 2,2 triệu nhân lực. Trong đó có khoảng 200.000 người là nhân lực chất lượng cao với các bằng cấp chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Tuy nhiên, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ vào khoảng 2.500 người. Có thể thấy được khoảng cách lớn giữa nhu cầu và nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong ngành.

Ông Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội đánh giá rằng chỉ khoảng 10% nhân sự logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành. Trong đó chỉ 7% được đào tạo chính quy, bài bản. Nguyên nhân của tình trạng thiếu và yếu về nhân sự chất lượng cao trong ngành logistics phần lớn là do sự chưa đáp ứng của các chương trình đào tạo so với nhu cầu thực tế của thị trường. Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 50 trường đại học cung cấp chương trình đào tạo chuyên ngành logistics và số lượng sinh viên theo học ngành này vẫn còn hạn chế.

Mặt khác, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, tập đoàn đang đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực logistics nhưng đang đối mặt với thách thức lớn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Phương nhấn mạnh, mặc dù các trường đại học đã cung cấp các chương trình đào tạo liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa chất lượng đào tạo và yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cả về kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.

Kết hợp đối tác nước ngoài

Ông Đặng Đình Đào, giảng viên ngành logistics tại Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đặc biệt khi ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như đội ngũ giáo viên chưa đủ chuyên môn (nhiều giáo viên từ ngành khác chuyển sang mà chưa được đào tạo bài bản) và chương trình giảng dạy chưa được thống nhất.

Theo ông, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự ngành logistics, cần tập trung vào ba khía cạnh chính: đào tạo cán bộ logistics cho các cơ quan quản lý, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ logistics trong các doanh nghiệp, và đào tạo cán bộ phụ trách logistics tại các doanh nghiệp sản xuất. 

Mặc dù hiện nay đã có nhiều trường đại học mở ngành logistics, song chất lượng giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu kinh nghiệm thực tế. Các chương trình đào tạo thường được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có, các trường sau tham khảo từ các trường đi trước, nhưng lại thiếu đi sự thực tiễn cần thiết. Để cải thiện tình hình, nhiều chuyên gia đề xuất rằng việc đào tạo cần được rút ngắn thời gian lý thuyết và tăng cường thực tập cho sinh viên, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế nhiều hơn.

Bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ các trường đại học trong việc hình thành và phát triển đội ngũ giảng dạy chất lượng cao là thực sự cần thiết, đặc biệt là các chuyên gia về logistics. Cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên logistics, bao gồm cả kiến thức và các quy chuẩn quốc tế. Hướng đến đào tạo ra nhân lực có kỹ năng và chất lượng tốt, đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành logistics.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng trường đại học Hàng Hải Việt Nam nhấn mạnh cần thiết kế chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành logistics một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, ông cũng đề xuất việc nghiên cứu và tham khảo các chương trình đào tạo của các quốc gia thành công trong lĩnh vực logistics, từ đó sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình đào tạo của Việt Nam, đặc biệt là các kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành.

Trong một nghiên cứu mới, bà Lê Thị Mỹ Ngọc, thuộc Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Đại Nam đã đưa ra các giải pháp toàn diện nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics tại Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau.

Từ phía Nhà nước, bà Ngọc đề xuất sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách và doanh nghiệp để xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng trong ngành. Bao gồm việc xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp cho lĩnh vực logistics. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên hỗ trợ các trường đào tạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên ngành. Đồng thời khuyến khích hình thành và phát triển các mối liên kết với trường đào tạo chuyên ngành về logistics. Đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ phía các cơ sở đào tạo, cần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quá trình đào tạo bằng cách giảng dạy các học phần thực hành nghề nghiệp mà còn cần hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động trải nghiệm thực tế và quá trình thực tập tại chính doanh nghiệp. Qua đó giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cần thiết cho sự nghiệp tương lai.

Source: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-logistics-tang-truong-kha-quan-lo-toan-nhan-luc-d48015.html

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS