Đề xuất đầu tư 40 000 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống cảng cạn toàn quốc

21.07.2023

Mới đây, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã có tờ trình 7248/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”.

Cảng cạn Long Biên tại Long Biên, Hà Nội do Tập đoàn Hateco đầu tư.

Theo Bộ GTVT, định hướng phát triển cảng cạn với mục đích tổ chức vận tải hàng hoá, đặc biệt là các loại hàng chở bằng container theo hướng hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang, giảm ùn tắc tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và đô thị lớn.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Do đó việc triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn nêu trên vừa đảm bảo tuân thủ Luật quy hoạch và là tiền đề để hoạch định các chính sách, giải pháp phát triển cảng cạn một cách đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả đối với khai thác cảng biển và các hoạt động vận tải nói chung.

Cụ thể trong tờ trình, mục tiêu phát triển hệ thống cảng cạn đáp ứng khả năng thông quan 25 – 35% nhu cầu vận tải hàng bằng container theo các hành lang vận tải, hình thành các cụm cảng cạn, cảng cạn có tổng công suất 11,9 – 17,1 triệu TEUs/năm, cụ thể:

  • Khu vực miền Bắc sẽ có công suất từ 4,29 – 6,2 triệu TEUs/năm
  • Khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ có công suất 0,9 – 1,4 triệu TEUs/năm
  • Khu vực miền Nam sẽ có công suất 6,8 – 9,5 triệu TEUs/năm

Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng cạn sẽ thành đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ logistics, đáp ứng 30 – 35% khả năng thông quan hàng hoá vận tải bằng container xuất/nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ logistics tại các địa phương.

Trong đề xuất của Bộ GTVT có nêu quy hoạch 101 cảng cạn tới năm 2030 tại 19 hành lang vận tải khắp cả nước, trong đó:

  • Miền Bắc: 42 cảng cạn, cụm cảng cạn có tổng công suất 4,2 – 5,5 TEUs/năm
  • Miền Trung – Tây Nguyên: 16 cảng cạn, cụm cảng cạn có tổng công suất 0,66 – 0,95 triệu TEUs/năm
  • Miền Nam có 43 cảng cạn, cụm cảng cạn có công suất 6,8 – 9,3 triệu TEUs/năm

Cùng với đó, tổng nhu cầu sử dụng đất để phát triển cảng cạn đến năm 2030 ước tính vào khoảng 1999 0 1707 ha (bổ sung thêm 784 – 1211 ha diện tích). Ước tính, tổng vốn đầu tư cho hệ thống cảng cạn đến năm 2030 vào khoảng 27 400 – 42 380 tỷ đồng.

Một số cảng cạn sẽ được tập trung đầu tư vì gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn, gần các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế, gồm cảng biển Hải Phòng (Khu vực phía Bắc) và cảng biển TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu (Khu vực phía Nam)

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ đa dạng hoá hình thức đầu tư theo hướng xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và điệu kiện phù hợp của địa phương cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.

Hiện nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 11 cảng cạn, 5 cảng thông quan nội địa (ICD) hiện hoạt động thuôc các vị trí quy hoạch cảng cạn như chủ đầu tư chưa chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.

Các cảng cạn, ICD này được phân bổ trên 5/15 hành lang và khu vực kinh tế  có quy hoạch cảng cạn, khu vực hành lang kinh tế ven biển phía Bắc đã hình thành 4/5 cảng cạn được quy hoạch.

Nguồn: https://logistics.gov.vn/dich-vu-logistics/cang-bien/de-xuat-dau-tu-khoang-40-000-ty-dong-de-hoan-thien-he-thong-cang-can-toan-quoc

Chúng tôi thường xuyên cập nhật các thông tin quan trọng mới nhất về thị trường Logistics nói chung và Logistics Hàng không nói riêng định kỳ hàng tuần trên website của ALS.

Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm tại: https://als.com.vn/tin-tuc/thi-truong-logistics

Đọc thêm: Bản tin logistics hàng không số 20 (Mới nhất)

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS