Công ty logistics nội địa trước cuộc cạnh tranh ngày càng không cân sức

23.09.2024

Thực tế hiện nay, các công ty logistics nội địa đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về số hóa, áp lực xanh hóa. Đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ phải bước vào cuộc cạnh tranh không cân sức giữa những đơn vị lớn, thậm chí là công ty ngoại sở hữu nguồn lực mạnh. 

Khoảng cách ngày càng lớn giữa các công ty logistics

Theo báo cáo thống kê hơn 30% lượng phát khí thải toàn cầu đến từ ngành logistics. Trong đó, các nhà sản xuất, kinh doanh lại rất quan tâm, đặt áp lực về việc giảm phát thải. Chính vì thế, cuộc cách mạng xanh hóa hoạt động logistics là một xu hướng tất yếu và cần thiết hiện nay.

Nhìn tổng quan hơn, những công ty logistics nước ngoài có nguồn lực lớn tại Việt Nam như DHL, Gemadept, Kuehne+Nagel…sớm đã chuẩn bị và đưa ra các cam kết giảm phát thải. Họ đầu tư mạnh mẽ vào các thiết bị bằng điện vừa an toàn lại thân thiện với môi trường. Đồng thời ứng dụng nhiều công nghệ, mô hình tự động hóa để nâng cao hiệu suất và cắt giảm chi phí vận hành. 

Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi xanh ở các công ty logistics nội địa không thuận lợi như những doanh nghiệp nước ngoài. Trong buổi tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” ngày 09/09/2024 vừa qua, ông Mai Trần Thuật - Tổng GĐ Công ty CP logistics dược phẩm Đông Á cũng nhìn nhận ra vấn đề này. Ông cho biết 10.000pallet hiện đang tiêu tốn khoảng 200 triệu tiền điện mỗi tháng và công ty cũng đang nghiên cứu lắp đặt điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư lượng thiết bị để giảm phát thải môi trường cũng là một bài toán nan giải vì chưa có chính sách bán điện năng dư thừa hay bán lên điện lưới phù hợp.

Ông Mai Trần Thuật cũng chia sẻ thêm, hiện tại đơn vị đang sử dụng hệ thống xe tải lạnh nên mức độ xả thải cao hơn các loại thông thường. Công ty đã hướng đến việc thay thế bằng xe tải điện để cải thiện nhưng chưa thực hiện được vì không tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam. Thậm chí khi có đơn vị cung cấp thì vấn đề trạm sạc điện cũng khá khó khăn do tuyến đường di chuyển của các phương tiện thường dài. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng các chính sách vĩ mô về chiến lược phát triển cụ thể. 

Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới hiện nay, Việt Nam có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong đó 89% là các công ty logistics nội địa nhưng thị phần chỉ chiếm khoảng 30%.  Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tham gia một phần rất nhỏ trong chuỗi logistics toàn cầu.

Khi các công ty logistics thực hiện chuyển đổi xanh thì sẽ là cơ hội nhưng cũng mở ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Thực tế chi phí đầu tư cho hoạt động xanh hóa khá tốn kém. Chưa kể, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ nên khó đưa ra quyết định. 

Trước sức ép từ những công ty nước ngoài nguồn lực lớn, việc doanh nghiệp nội địa tham gia cạnh tranh về giảm phát thải càng trở nên cách biệt. Theo báo cáo khảo sát về việc thực hiện chiến lược mục tiêu xanh chỉ có 33% trong số doanh nghiệp tham gia áp dụng tiêu chuẩn ISO 14.000. Bởi vậy, có thể thấy, từ chiến lược đến triển khai thực tế hoạt động chuyển đổi xanh ở các công ty logistics vẫn còn khoảng cách lớn. 

Xanh hóa từ trên xuống dưới

Hoạt động chuyển đổi xanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác không chỉ ở phía doanh nghiệp. Theo TS. Trần Thị thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng (Trường ĐH Thương Mại) chia sẻ, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam dù đang phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Các doanh nghiệp logistics muốn chuyển đổi vận tải từ đường bộ sang đường thủy nhưng cũng rất khó khả thi và gặp nhiều thách thức lớn. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 1- 2 cảng biển đạt tiêu chuẩn cảng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn để kết hợp cùng các doanh nghiệp phát triển hạ tầng và hệ thống vận tải đa phương thức.  

Bên cạnh đó, chính sách phát triển logistics xanh được đưa vào các định hướng chiến lược của Chính phủ. Trong đó chỉ ra một số ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện phát thải thấp hay xây dựng trung tâm logistics như miễn phí lệ phí trước bạ trong năm đầu tiên…

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển logistics Việt Nam 2025-2035 Bộ Công Thương xây dựng dự kiến sẽ tích hợp nhiều nội dung cụ thể như chuyển đổi năng lượng, phương thức vận tải…Các đơn vị cần làm rõ quan điểm logistics xanh không phải là thay đổi toàn bộ hệ thống điện sang sử dụng năng lượng mặt trời mà là các giải pháp giảm phát thải. Nếu chưa đủ điều kiện về tài chính, nguồn lực làm những việc to lớn, doanh nghiệp có thể thay đổi từ các hành động nhỏ như chuyển đóng gói nilon sang bìa carton, hay tối ưu quá trình luân chuyển để giảm thời gian giao hàng…

Tóm lại, cuộc cạnh tranh công ty logistics nội địa ngày càng khốc liệt với khoảng cách lớn. Doanh nghiệp cần phối hợp thực hiện cùng Nhà nước, Chính phủ để thực hiện các hoạt động thực tế giảm phát thải, góp phần xây dựng một chuỗi logistics xanh đúng nghĩa.

Source: https://doanhnhantrevietnam.vn/cong-ty-logistics-noi-dia-truoc-cuoc-canh-tranh-ngay-cang-khong-can-suc-d24115.html

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS