Chuyển đổi số góp phần phát triển bền vững ngành logistics

08.12.2024

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực logistics đã giúp các doanh nghiệp giảm đến 14% chi phí giao hàng và nâng hiệu suất vận chuyển, số lượng hàng hóa giao trên mỗi xe tăng thêm 13%.

Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, ngành logistics cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, giảm lượng khí thải carbon và hạn chế rác thải bao bì nhờ các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI).

Chuyển đổi số cũng được xem như đòn bẩy thúc đẩy xu hướng phát triển xanh trong ngành logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tới mô hình bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có khoảng 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử. Tạo ra nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ logistics hiện đại, đặc biệt là những giải pháp hỗ trợ ngành thương mại điện tử phát triển hiệu quả và lâu dài.

Xu hướng chuyển đổi số cùng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đang thúc đẩy thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian gần đây. Đây chính là động lực lớn tạo áp lực đổi mới đối với ngành logistics để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành và đào tạo chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, logistics đã được xác định là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Chuỗi cung ứng Smartlog nhận định, chuyển đổi số trong logistics có thể được triển khai theo nhiều cấp độ. Từ việc áp dụng các giải pháp công nghệ riêng lẻ đến xây dựng mô hình logistics hoàn toàn dựa trên nền tảng số, các doanh nghiệp có cơ hội tạo ra giá trị mới, mở rộng nguồn doanh thu và khám phá những tiềm năng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù đã nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động và chất lượng chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc ứng dụng. Một trong những trở ngại chính là sự phân mảnh của thị trường công nghệ, với quá nhiều phần mềm số hóa nhưng thiếu sự kết nối để hình thành hệ sinh thái thống nhất, khiến ngành logistics hoạt động rời rạc và kém hiệu quả.

Ngoài ra, hạn chế về nguồn lực tài chính cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam. Phần lớn các công ty trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư và năng lực công nghệ, điều này cản trở khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics không chỉ giúp giảm 14% chi phí giao hàng mà còn nâng cao hiệu suất, với số lượng hàng hóa vận chuyển trên mỗi xe tăng 13%.

Các công nghệ đột phá hiện nay cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất giao hàng, nhờ vào khả năng lập kế hoạch tuyến đường thông minh, giúp đảm bảo nhiều lượt nhận và trả hàng hơn.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về công nghệ và vấn đề bảo mật thông tin, thanh toán. Các giải pháp công nghệ liên quan đến xử lý các nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi và xử lý hàng hóa vẫn chưa được xây dựng và quản lý tốt, gây ra thách thức cho các doanh nghiệp logistics khi chưa thể đảm bảo chất lượng dịch vụ trong các trường hợp đổi trả hàng lỗi hay bảo hành sản phẩm.

Đây chính là thách thức lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào nền tảng kỹ thuật số, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ trong sản xuất và phân phối hàng hóa. 

Vào giữa tháng 9/2024, Hòa Phát Logistics đã chính thức triển khai vận hành loạt phần mềm quản lý vận tải, bao gồm phần mềm điều hành vận tải, phần mềm đào tạo trực tuyến và phần mềm theo dõi hành trình vận tải. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, giai đoạn 2024-2026, hướng tới tầm nhìn dài hạn đến năm 2030.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Phát Logistics, ông Nguyễn Đắc Thắng chia sẻ, việc ứng dụng các phần mềm này là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ của công ty trong lĩnh vực vận tải.

Hệ thống phần mềm mới không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản lý và tối ưu hóa các hoạt động vận hành mà còn củng cố vị thế của Hòa Phát Logistics trên thị trường logistics đầy cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là nền tảng quan trọng để công ty thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics.

Viettel Post là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện Parcel + Post Expo 2024 tại Hà Lan, đã khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ logistics với chuỗi giải pháp logistics toàn trình thông minh.

Tại sự kiện, Viettel Post trình làng 5 sản phẩm công nghệ cốt lõi, bao gồm 3 hệ thống robot tiên tiến: robot chia chọn khai thác, robot vận chuyển tự hành và robot phân loại tự động; cùng với 2 hệ thống quản lý tập trung là quản lý vận tải và quản lý kho hàng thông minh. Các giải pháp này được Viettel Post tự nghiên cứu và phát triển, với mục tiêu tự động hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ quản lý kho bãi, phân loại hàng hóa đến giao nhận cuối cùng.

Ông Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc Viettel Post khẳng định, việc làm chủ công nghệ robotics không chỉ là minh chứng cho khả năng sáng tạo và dẫn đầu của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cho thấy tiềm năng hợp tác quốc tế và nâng tầm logistics Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Song song đó, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, đại diện Công ty Giải pháp Chuỗi cung ứng Smartlog cho biết công ty đang hướng đến xây dựng nền tảng logistics tích hợp đầu tiên với quy mô lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. 

Hệ sinh thái này kỳ vọng sẽ thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia trong những năm tới, góp phần hiện đại hóa ngành logistics Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-gop-phan-phat-trien-ben-vung-nganh-logistics-post994238.vnp 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS