Các doanh nghiệp nên cân nhắc các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi và chi phí dọc theo chuỗi cung ứng

27.09.2024

Trong sáu tháng đầu năm 2024, dù nguồn cung tàu container toàn cầu tăng mạnh đến 10,4%, tỷ lệ khai thác công suất vẫn cao hơn 2% so với năm trước.

Các cảng container trên thế giới đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2024. Cụ thể, 10 cảng hàng đầu báo cáo mức tăng sản lượng hàng hóa qua cảng trung bình đạt 7,4%.

Mặc dù vậy, ngành vận tải biển vẫn đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, các cuộc đình công và việc nhiều tàu phải thay đổi tuyến hành trình qua Mũi Hảo Vọng, dẫn đến giới hạn khả năng mở rộng công suất. Trong khi chi phí và thời gian vận chuyển đều gia tăng.

Về khía cạnh nhu cầu, châu Âu đã trở lại mức lạm phát như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trong khi tại Hoa Kỳ, tốc độ giảm lạm phát diễn ra chậm hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không đạt kỳ vọng. Phần lớn nhu cầu nhập khẩu chủ yếu đến từ việc bổ sung hàng tồn kho để phòng ngừa rủi ro tăng thuế hơn là từ sự phục hồi trong chi tiêu cá nhân hay sức mua gia tăng.

Những thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên trầm trọng hơn do xung đột địa chính trị và hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Bảy tháng sau sự kiện căng thẳng tại Biển Đỏ, các tác động lên vận tải biển và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục leo thang. Việc các tàu phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về thời gian vận chuyển và chi phí hoạt động. Những biến động này buộc các hãng vận tải phải tái cấu trúc dịch vụ, điều chỉnh khối lượng hàng hóa, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng cảng, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, chậm trễ và thiếu hụt thiết bị. Mặc dù gặp phải những khó khăn này, nhu cầu vận chuyển container vẫn giữ vững ở mức cao.

Trước khi xảy ra các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ vào cuối năm 2023, khoảng 12% thương mại toàn cầu đã đi qua Kênh đào Suez. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy lưu lượng tàu qua kênh đã giảm tới 66% khi các hãng vận tải phải điều hướng tàu đi vòng qua Châu Phi.

Vẫn chưa có mốc thời gian rõ ràng cho việc khắc phục những gián đoạn này và đưa hoạt động trở lại bình thường. Cuộc khủng hoảng hiện tại càng nhấn mạnh sự cấp bách trong việc các doanh nghiệp phải tăng cường khả năng chống chịu cho chuỗi cung ứng, trong khi các hãng vận tải cần đánh giá lại các chiến lược để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Xung đột thương mại, sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc cùng với chính sách bảo hộ và xu hướng dịch chuyển sang các thị trường gần và đối tác tin cậy đang làm cho các chính sách thương mại trở nên khó lường hơn. Nguy cơ phân mảnh thương mại vẫn tiếp tục đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phải cân nhắc lại việc điều chỉnh danh mục thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này khó đạt hiệu quả nếu thiếu đi các phương án logistics khả thi, đảm bảo cả về mặt chi phí lẫn thời gian vận chuyển.

Song song đó, biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây ra các cơn bão ngày càng mạnh mẽ và thường xuyên hơn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến vận tải xuyên Thái Bình Dương. Cơn bão Yagi vừa gây thiệt hại lớn cho Philippines, đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực phía Bắc Việt Nam. Ở phía bên kia bán cầu, Hoa Kỳ cũng đang phải hứng chịu một cơn bão lớn.

Dù các công cụ dự báo thời tiết ngày càng hiện đại và chính xác hơn, sức chống chịu của các hoạt động sản xuất và lưu thông tại nhiều vùng ở châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam vẫn chưa đủ để ứng phó hiệu quả trước những biến động do khí hậu gây ra.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng trước những biến động khó lường, việc xem xét các chiến lược nhằm tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng và giảm chi phí trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt là cần thiết:

  • Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp cần tìm kiếm và phát triển nhiều nguồn cung ứng từ các khu vực khác nhau để hạn chế rủi ro từ những gián đoạn cục bộ.
  • Xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ: Hợp tác chặt chẽ với các đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng, lập kế hoạch các giải pháp vận chuyển thay thế nhằm giảm thiểu tác động của gián đoạn và cắt giảm chi phí thông qua ký kết các hợp đồng quy mô lớn hoặc dài hạn.
  • Đầu tư vào công nghệ dữ liệu và phân tích: Ứng dụng công nghệ tiên tiến để dự đoán và phản ứng hiệu quả hơn với những thách thức trong chuỗi cung ứng.
  • Tối ưu hóa chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng thông qua việc triển khai các chiến lược đổi mới.

10 chiến lược hàng đầu để tối ưu hóa chi phí trong quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới

Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ dễ bị tổn thương, từ sản xuất đến phân phối và lưu thông. Các yếu tố như biến đổi khí hậu, xung đột và chiến tranh đã gây ảnh hưởng lớn không chỉ ở quy mô quốc tế mà còn trên cấp độ khu vực, quốc gia và địa phương. Do đó, việc đảm bảo tính bền vững và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cần gắn liền với sự ổn định tài chính của các bên liên quan.

Với tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu liên tục biến động, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm giải pháp giảm thiểu chi phí trong chuỗi cung ứng nhằm duy trì hoạt động và gia tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường đầy thách thức.

Source: https://logistics.gov.vn/nganh-hangthi-truong/cac-doanh-nghiep-nen-can-nhac-cac-chien-luoc-tang-cuong-kha-nang-phuc-hoi-va-chi-phi-doc-theo-chuoi-cung-ung 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS