​Thương mại điện tử bùng nổ, Việt Nam 'tăng tốc' tái định hình logistics

06.12.2024

Với chi phí logistics hiện đang chiếm hơn 20% GDP – cao gấp đôi so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam đứng trước thách thức lớn đó là phải cải cách toàn diện hoặc chấp nhận nguy cơ tụt hậu. Những công nghệ như robot, drone giao hàng và hệ thống đường sắt cao tốc liệu có thể trở thành chìa khóa giúp ngành logistics đột phá và phát triển bền vững?

Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng vào tốc độ và sự tiện lợi trong giao hàng. Trong khi VN Post, EMS và Viettel Post vẫn giữ vai trò quan trọng tại khu vực nông thôn, các đô thị sôi động đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những startup logistics sáng tạo như NinjaVan, Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK), và Giao Hàng Nhanh (GHN).

Thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu đổi mới

DHL cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh khi ra mắt dịch vụ DHL Parcel Metro Same Day, mang đến trải nghiệm giao hàng linh hoạt với khả năng theo dõi thời gian thực. 

Những nền tảng lớn như Shopee, Shein, Temu không chỉ đòi hỏi tốc độ vận chuyển cao mà còn kích thích một xu hướng tiêu dùng mới. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của các mô hình bán hàng qua livestream và hệ thống kho hàng thương mại điện tử. Chỉ riêng trong quý 2 năm 2024, Shopee, Lazada, TikTok Shop đã ghi nhận doanh thu 3,3 tỷ USD, với hơn 750 triệu sản phẩm được bán ra trong ba tháng đầu năm.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain cho thấy doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam tăng 18% trong giai đoạn 2023-2024. Xu hướng này đẩy mạnh nhu cầu đối với các dịch vụ logistics, từ lưu trữ hàng hóa đến vận chuyển và giao nhận. Đặc biệt, các nhà bán hàng trực tuyến, nhất là những người kinh doanh qua livestream ngày càng đòi hỏi các giải pháp giao hàng hiệu quả hơn để đáp ứng tốc độ và khối lượng đơn hàng lớn. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe này, ngành logistics tại Việt Nam buộc phải đổi mới không ngừng để bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường.

Dọc theo biên giới Việt Nam và Trung Quốc, một hình thái kinh doanh mới đang nổi lên là các mô hình làm việc tại gia với văn phòng dành cho livestream và kho lưu trữ hàng hóa phục vụ thương mại điện tử. Đây là những nhân tố thúc đẩy nhu cầu xây dựng hạ tầng logistics chuyên biệt, hướng tới việc xử lý số lượng lớn các đơn hàng nhỏ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Viettel Post đang khẳng định vai trò tiên phong bằng cách áp dụng công nghệ cao vào vận hành. Gần đây, công ty đã thử nghiệm sử dụng drone giao hàng và robot tự động phân loại. Các công nghệ này hứa hẹn cải thiện hiệu suất vận hành lên tới 40%, giảm chi phí và thời gian xử lý so với phương thức truyền thống. Ngoài ra, Viettel Post tập trung phát triển hệ thống cửa khẩu thông minh cùng các hạ tầng hiện đại để hỗ trợ xuất nhập khẩu. 

Công nghệ là yếu tố quan trọng để nâng cao chuỗi cung ứng 

Dù những tiến bộ công nghệ đang góp phần cải thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn đối diện với nhiều trở ngại lớn về hạ tầng logistics. Với chiều dài lãnh thổ hơn 3.000 km, chi phí vận chuyển nội địa thường cao, thậm chí vượt cả chi phí vận chuyển quốc tế tới các quốc gia như Singapore. Nguyên nhân chính là hệ thống giao thông chưa đồng bộ, trong khi các tuyến đường bộ và đường sắt chưa đáp ứng được yêu cầu về tốc độ và hiệu suất vận hành.

Theo Viettel Post, ngành logistics tại Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Chi phí logistics đang chiếm tới hơn 20% GDP, mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, các khâu phân loại hàng hóa chủ yếu vẫn dựa vào lao động thủ công hoặc hệ thống bán tự động, với tỷ lệ tự động hóa chỉ đạt khoảng 10%. Điều này làm hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu xử lý nhanh khối lượng đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử vốn yêu cầu tốc độ và tính chính xác cao.

Phát triển các phương thức vận chuyển hiện đại và tích hợp đa phương thức được coi là chìa khóa để tháo gỡ những nút thắt trong ngành logistics. Ông Majo George, chuyên gia hậu cần từ Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc trên toàn quốc sẽ cho phép doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam chỉ trong một ngày. Không chỉ giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, vốn có tốc độ chậm mà còn nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng Việt Nam đang chậm chân hơn so với các quốc gia láng giềng như Campuchia và Lào trong lĩnh vực này, điều có thể gây bất lợi nếu không được cải thiện sớm.

Song song với đó, các giải pháp kho bãi tự động đang nổi lên như một yếu tố thiết yếu trong chuỗi cung ứng hiện đại. Trong bối cảnh các công ty sản xuất và thương mại điện tử yêu cầu mức độ chính xác và hiệu quả cao trong việc lưu trữ và phân phối, Viettel Post đã tăng cường đầu tư vào hệ thống kho tự động và mở rộng dịch vụ logistics xuyên biên giới tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Việc áp dụng robot và công nghệ tự động hóa trong kho bãi không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhân công mà còn rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng và tối ưu hóa việc sử dụng không gian lưu trữ.

Hiện nay, các hệ thống lưu trữ tự động không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những tập đoàn lớn như Meta (Facebook) và Tamron đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất các sản phẩm như tai nghe và ống kính máy ảnh, góp phần gia tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng kho bãi tiên tiến.

Công nghệ hiện đại đang trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Những giải pháp như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning), và công nghệ sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing) không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn tối ưu hóa sự kết nối giữa các giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Từ việc quản lý hàng tồn kho chính xác hơn đến cải thiện hiệu quả vận chuyển, các công nghệ này đang góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa ngành logistics.

Giáo sư Stefan Minner từ Đại học Kỹ thuật Munich cho rằng việc tích hợp các công nghệ hiện đại vào chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng với những biến động thị trường, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững thông qua việc sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Nhận thức rõ vai trò then chốt của logistics trong sự phát triển kinh tế, chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chiến lược để cải thiện lĩnh vực này. Năm 2022, Chính Phủ đã thông qua Nghị quyết nhằm thúc đẩy vận tải đa phương thức và áp dụng các giải pháp kỹ thuật số vào ngành logistics. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ xanh trong chuỗi cung ứng là điểm nhấn, thể hiện quyết tâm hướng tới một nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường. Những chính sách này không chỉ cải thiện hiệu suất logistics mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các ngành kinh tế khác.

Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/thuong-mai-dien-tu-bung-no-viet-nam-tang-toc-tai-dinh-hinh-logistics-1103683.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS