Tổng quan thị trường Logistics Việt Nam và vấn đề nổi bật trong tháng 11

06.12.2022

1. CPI và lạm phát cơ bản tháng 11 đều tăng nhẹ

CPI và lạm phát cơ bản tháng 11 đều tăng nhẹ, cụ thể lần lượt tăng 0.39% và 0.43% so với tháng trước, tăng 4,37% và 4.81% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất chỉ đạt 47,4 điểm, giảm so với 50,6 điểm tháng 10, cho thấy, các điều kiện kinh doanh suy giảm rõ rệt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cũng có xu hướng chậm lại do đơn hàng sụt giảm, khi ước tính chỉ tăng 0,3% so với tháng trước. Về vận tải hàng hóa, nhu cầu vận chuyển hàng nội địa bằng máy bay vào dịp cuối năm đang có những dấu hiệu tích cực. Mặc dù giá cước tăng từ 2-5% so với tháng trước thì sản lượng vận chuyển của một số đơn vị vẫn tăng cao, đặc biệt với hàng hóa hỏa tốc 4-5 tiếng. 

Theo số liệu Bộ GTVT, tỷ lệ tăng trưởng vận tải hàng hóa hàng không tháng 11 tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trái ngược với sự khả quan từ thị trường nội địa, theo số liệu mới từ IATA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng vận tải hàng hóa đường hàng không của các hãng bay trong khu vực này tháng 9 đã giảm 2 con số. Theo dự báo của các chuyên gia từ công ty logistics lớn như SGL, FedEx, tình hình bất ổn trên sẽ vẫn kéo dài trong tương lai.

2. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây

Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 78,8%, mà trong phần lớn ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại là ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, sản xuất chip và các linh kiện sản xuất chip. Điều này cho thấy cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn "make in Việt Nam" được minh chứng qua các khoản đầu tư khổng lồ như tháng 8 năm nay, Samsung Electronics công bố khoản đầu tư 850 triệu USD để sản xuất linh kiện bán dẫn tại Thái Nguyên. Synopsys - công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip - đang chuyển hoạt động đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Amkor Technology đã ký một thỏa thuận vào năm 2021 để thành lập nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn trị giá 1,6 tỉ USD tại tỉnh Bắc Ninh. Còn Tập đoàn Intel gần đây rót thêm 475 triệu USD tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel.

3. Xuất nhập khẩu

Thời gian qua, lãi suất tăng làm chi phí vốn sản xuất tăng, rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào vẫn hiện hữu cộng thêm nhu cầu tiêu dùng ở các nước xuất khẩu chính của Việt Nam đang sụt giảm, tỷ giá USD/VND tăng khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. 

Theo chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng cho các tháng cuối năm và tình trạng này sẽ kéo dài đến quý I năm sau, với mức giảm bình quân 25 - 27%. Trái ngược đó, xuất khẩu của nhóm ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021 và ngành máy móc thiết bị phụ tùng tăng 27,7%. Tuy nhiên đối với riêng mặt hàng điện thoại thông minh, trong tháng 11/2022, ghi nhận sản lượng ở mức 20.6 triệu máy, giảm 9.3% so với cùng kỳ. Trong 11 tháng đầu năm, sản lượng điện thoại thông minh của Việt Nam giảm 6.1% so với cùng kỳ. Tổng Cục Thống kê cũng cho biết trong tháng 11/2022, giá trị xuất khẩu điện thoại thông minh Việt Nam giảm 1% so với tháng trước và giảm 0.7% so cùng kỳ.

4. Tình hình logistics tại Việt Nam

Về hạ tầng Logistics, cụ thể thị trường nhà xưởng xây sẵn sẽ tiếp tục sôi động với ước tính khoảng 400.000 m2 sàn sẽ được bổ sung trong 12 tháng tới. Giá thuê mới của nhà xưởng xây sẵn dự kiến tiếp tục xu hướng tăng trong quý IV do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định vào năm 2023 do lượng lớn nguồn cung mới gia nhập thị trường. Về thị trường kho lạnh, miền Bắc, miền Trung được đánh giá cung đang vượt cầu, có nhiều kho chưa lấp đầy 60%. Riêng miền Nam thì cung cầu tương đối cân bằng, tỷ suất lấp đầy khoảng 90%. Trong năm 2022, số kho lạnh mới đưa vào hoạt động rất ít, khoảng 3-4 kho, các năm 2023-2026 sẽ có nhiều kho lạnh mới, hiện đại đưa vào hoạt động, xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới, thị trường dịch vụ cho thuê kho lạnh sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn.

5. Dự thảo Nghị định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện

Trong tháng 11, đáng chú ý là Dự thảo Nghị định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, đề nghị giảm 10% với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, thời gian giảm phí là 6 tháng kể từ khi có hiệu lực, dự kiến áp dụng trong năm 2023 hay Dự thảo thông tư hướng tới thủ tục hải quan ngày càng tinh gọn. Về đầu tư hạ tầng, giai đoạn 2021 -2030, nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng hàng không được ước tính là 403.106 tỷ đồng, gần đây dự thảo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có hạng mục xây mới nhà ga hàng hóa, đường cất hạ cánh và các hạng mục khác với tổng vốn lên tới 31.000 tỉ đồng. Và theo Nghị định 96/2022 ngày 29.11.2022 để thay thế Nghị định 98/2017 ngày 18.8.2017, từ ngày 1.12.2022, Bộ Công thương chính thức quản lý dịch vụ logistics.

6. Hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn

Trong thời gian trở lại đây, hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải cắt giảm lao động, tạm dừng sản xuất, chủ yếu tập trung tại một số ngành như dệt may. Trong 10 tháng đầu năm, có 122.100 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Khoảng 1.235 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may (chiếm 18,28%), chế biến gỗ (15,86%), da giầy (8,82%) và các ngành khác (49,51%). Tổng số 472.214 lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm, trong đó 41.556 người mất việc (chiếm 8,80%), 430.665 người giảm giờ làm (chiếm 91,20%) bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo thông tin tổng hợp từ CĐCS, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.

7. "Logistics xanh" vừa trở thành chủ đề của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022

"Logistics xanh" vừa trở thành chủ đề của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. Nội dung trong phiên họp chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường. Hoạt động này trên có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics, cần chú ý hơn đến xu hướng này khi ngay gần đây Liên minh châu Âu đã đưa ra cơ chế “Điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), theo đó sẽ áp một loại thuế nhập khẩu. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu gồm: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Sau đó sẽ mở rộng ra nhiều ngành khác.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.baogiaothong.vn/van-tai-hang-khong-tang-vot-trong-11-thang-d574498.html
  • https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/11/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-11-va-11-thang-nam-2022/
  • https://bnews.vn/vietnam-report-cong-bo-nghien-cuu-ve-thi-truong-nganh-logistics-viet-nam/270361.html
  • https://vneconomy.vn/11-thang-giai-ngan-von-fdi-bat-ngo-cao-nhat-5-nam.htm
  • https://haiquanonline.com.vn/cac-diem-sang-cua-nganh-logistics-viet-nam-nam-2022-169683.htm
  • https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/dien-dan-logistics-viet-nam-2022-tim-giai-phap-phat-trien-logistics-xanh.html
  • ….

Bộ phận quản lý thông tin thị trường MkIS (ALS)

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS