Báo cáo thống kê cho thấy, thị phần các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong nước đang chỉ bằng 1/7 so với các doanh nghiệp vận tải nước ngoài. Chúng ta đang thua thiệt ngay chính trên sân nhà của mình.
Xu hướng tăng trưởng Logistics Hàng không
Trong khoảng hơn 20 năm qua, sản lượng vận tải hàng hóa thông qua đường hàng không đều có xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng thì không đồng đều giữa các năm. Trong thời kỳ đại dịch Covid vừa qua, trong bối cảnh lượng hàng hóa vận tải bằng các hình thức vận tải khác đều tăng thì Logistics Hàng không lại đang có xu hướng giảm đi.
Số liệu năm 2022 của Cục Hàng không cho thấy, lượng hàng hóa vận tải thông qua đường hàng không chỉ đạt 1,22 triệu tấn giảm tương ứng lần lượt là 6.6% và 11.3% so với năm 2021 và năm 2009.
Sự sụt giảm trên được lý giải từ việc, trong giai đoạn Covid, các tàu bay được khai thác chủ yếu để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên khi nhu cầu bay thương mại tăng lên, năng lực chở hàng hóa tàu bay cũng giảm đi. Bên cạnh đó, nguyên nhân sụt giảm còn đến từ một số yếu tố đặc thù như hàng hóa vận chuyển đường hàng không chủ yếu là hàng hóa giá trị cao, khối lượng nhỏ và phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của thị trường chung của thế giới. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khủng khoảng kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia khiến cho nhu cầu chung về các loại hàng hóa nói trên bị suy giảm dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không cũng kéo theo đó bị giảm đi.
Cạnh tranh giữa các đơn vị Logistics Hàng không trong nước và Quốc tế
Bên cạnh những yếu tố về xu hướng phát triển chung của ngành Logistics Hàng không trong thời gian qua, một số yếu tố khác ảnh hưởng sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước còn đến từ:
- Sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp vận tải nước ngoài: hiện tại thị phần doanh nghiệp vận tải hàng hóa hàng không nước ngoài đang chiếm tới 88%. Các doanh nghiệp của chúng ta mới đang chỉ chiếm được một phần sản lượng rất nhỏ (dù đang ở ngay trên sân nhà)
- Hệ thống cơ sở hạ tầng Hàng không còn chưa đáp ứng được cả về chất và lượng đối với sự phát triển kinh tế chung của xã hội (như thiếu đầu tư vào các tuyến đường bộ kết nối vào Cảng Hàng không, thiếu quỹ đất phát triển trung tâm Logistics Hàng không, các kho hàng không kéo dài – Off Airport Cargo Terminal, …)
- Sự kết nối chặt chẽ giữa các loại hình vận tải khác với hàng không. Hiện tại, mới có đường bộ có sự kết nối tốt, thuận tiện cho việc khai thác, trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp và Cảng Hàng không, còn kết nối giữa Hàng không vs vận tải đường sắt hay đường thủy còn rất lỏng lẻo, gần như không có kết nối trực tiếp.
- Những ưu tiên phát triển vận tải đường bộ và các loại hình khác khiến cho cơ hội phát triển vận tải đường hàng không của các doanh nghiệp trong nước gặp hạn chế hơn
- Quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông Quốc gia
Dư địa phát triển Logistics Hàng không cho các doanh nghiệp trong nước?
Logistics Hàng không tuy chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng vận tải hàng hóa toàn cầu nhưng lại chịu trách nhiệm chuyên chở 1/3 giá trị thương mại hàng hóa trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực đặc thù này.
Chúng ta có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, có kim ngạch xuất nhập khẩu và thị trường hàng hóa cao. Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ở nước ta với chỉ đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa nói chung.
Đây chính là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp trong nước cần nắm được để giành lấy thị phần vận tải hàng hóa hàng không ngay trên chính sân nhà của mình.
Đại dịch Covid 19 vừa qua đã khiến cho cơ cấu vận tải hàng không đang có sự thay đổi. Số lượng hàng hóa được chuyên chở bằng máy bay tăng thêm khoảng 19%. Nhu cầu này vẫn sẽ được duy trì và tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Những việc cần làm để phát triển Logistics Hàng không nội địa?
Có rất nhiều các giải pháp đã đươc đưa để Logistics Hàng không trong nước phát triển tương xứng với những tiềm năng và cơ hội sẵn có của Việt Nam.
* Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần:
- Đánh giá được những tiềm năng , cơ hội trong lĩnh vực Logistics Hàng không, sớm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng Hàng không, sân bay Toàn Quốc đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không, Quy hoạch mạng lưới giao thông gắn kết giữa các phương thức vận tải khác nhau
- Huy động thêm nguồn lực tài chính, thu hút các nhà đầu tư xây dựng những địa điểm gom hàng, nhà ga hàng hóa tại các sân bay. Cần có thêm về những chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư.
- Chính phủ, chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hóa hàng không, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển Nhà ga hàng hóa, vận tải hàng không hay thành lập các hãng bay chuyên chở hàng hóa
* Đối với các doanh nghiệp Logistics trong nước cần:
- Mạnh dạn mở rộng hoạt động , phát triển các dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng các tàu bay chuyên dụng, phát triển các hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa
- Nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp lớn nước ngoài để cùng phát triển (nếu như nguồn lực và điều kiện không cho phép)
- Chuẩn bị chu đáo về vốn, nhân sự, năng lực mở rộng dịch vụ , nâng cấp mạng lưới và sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, giành lại thị phần và hướng mình ra thế giới.
Source: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/logistic-hang-khong-de-thuc-day-thi-phan-d34193.html
Trên đây là tổng hợp nhận định của một số chuyên gia về việc phát triển lĩnh vực Logistics Hàng không trong nước. Bài viết được ALS tổng hợp và lược dịch từ báo vovgiaothong. Chúng tôi thường xuyên tổng hợp các tin tức nóng hổi nhất về thị trường Logistics Hàng không nói riêng và Logistics nói chung trên các bản tin được cập nhật hàng tuần trên website của mình.
Quý bạn đọc quan tâm có thể theo dõi các tin tức mới khác tại: https://als.com.vn/tin-tuc/thi-truong-logistics
Đọc thêm: Bản tin logistics hàng không số 18 (Mới T7.2023)