Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam dự báo chạm mốc 48,6 tỷ USD trong năm 2024

16.12.2024

Thị trường vận tải và logistics tại Việt Nam được kỳ vọng đạt giá trị 48,6 tỷ USD trong năm 2024, dự báo tiếp tục mở rộng lên 71,9 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành này được ước tính ở mức 6,8%.

Sự bùng nổ của ngành logistics cùng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đang tạo áp lực lớn lên nhu cầu kho bãi, nhà xưởng và hệ thống hạ tầng. Theo báo cáo mới nhất từ Savills về Tiêu điểm Bất động sản Công nghiệp Việt Nam năm 2024, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn trên cả nước đã đạt 15,1 triệu m², đã tăng 31% so với năm ngoái. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam với tỷ lệ lấp đầy đạt 80%. Trong khi khu vực phía Bắc chiếm 30% tổng nguồn cung và ghi nhận mức giá thuê trung bình cao hơn, khoảng 5 USD/m²/tháng.

Ông John Campbell, Giám đốc Dịch vụ Công nghiệp tại Savills Việt Nam nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của ngành logistics. Ông cho rằng việc đầu tư mạnh mẽ vào giao thông, hệ thống kho bãi và cảng biển là điều cần thiết để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị các khu công nghiệp mới cần được quy hoạch linh hoạt hơn để đáp ứng đồng thời nhu cầu sản xuất và logistics. Và hơn hết là giảm thiểu các rào cản hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng thứ ba Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, đạt 18% trong năm nay, chỉ xếp sau Philippines và Thái Lan. Dự báo đến năm 2030, thị trường này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 19% mỗi năm, trở thành một trong những động lực kinh tế chủ lực của đất nước.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ với giá trị đạt 22 tỷ USD trong năm nay, đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan. Dự báo đến năm 2030, quy mô thị trường này có thể tăng lên 63 tỷ USD, vượt qua Thái Lan và trở thành thị trường lớn thứ hai khu vực, sau Indonesia.

Với dân số hơn 100 triệu người cùng tỷ lệ người dân sử dụng internet để mua sắm trực tuyến vượt 80%, Việt Nam chính là thị trường TMĐT có sức hút lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm tăng trưởng GDP ổn định, cơ cấu sản xuất ngày càng đa dạng, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ và những nỗ lực cải thiện hạ tầng. Đây không chỉ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của logistics và thương mại điện tử mà còn góp phần tạo đà cho nền kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thi-truong-van-tai-va-logistics-cua-viet-nam-du-bao-cham-moc-486-ty-usd-trong-nam-2024-20241201111202451.htm 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS