Sức ép tỷ giá đè nặng trên vai doanh nghiệp xuất khẩu

07.05.2025

Từ đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND liên tục tăng, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động bán ngoại tệ can thiệp. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng 4, khi tỷ giá tăng hơn 1% chỉ trong một tháng.

Đỉnh điểm, ngày 25/4, giá USD tại các ngân hàng thương mại được niêm yết ở mức 25.805 đồng (mua vào) và 26.195 đồng (bán ra), tăng 235 đồng so với hai tuần trước đó. Đây là mức cao nhất trong lịch sử.

Ngày 2/5, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD duy trì ở mức 24.956 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN giữ mức mua vào - bán ra là 23.759 đồng - 26.153 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết dao động như sau:

  • Vietcombank: 25.530 đồng - 25.920 đồng.
  • Vietinbank: 25.763 đồng - 26.120 đồng.
  • BIDV: 25.800 đồng - 26.160 đồng.

Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch đầu tháng 5 tiếp tục tăng nóng. Mỗi USD được mua vào ở mức 26.420 đồng và bán ra ở mức 26.520 đồng, đánh dấu lần đầu tiên USD trên “chợ đen” vượt mốc 26.500 đồng.

Áp lực tỷ giá hiện tại đến từ hai yếu tố chính: sự gián đoạn thương mại do chính sách thuế quan mới của Mỹ và thanh khoản dư thừa trong hệ thống liên ngân hàng.

Dù tỷ giá USD tại Việt Nam tăng mạnh, chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế (USD Index - DXY) lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022, chỉ còn 98,975 điểm.

Theo các chuyên gia, chính sách thuế quan mới của Mỹ, bao gồm đề xuất áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam, đã tạo ra tâm lý lo ngại, làm tăng nhu cầu tích trữ USD. Điều này khiến tỷ giá trong nước leo thang, mặc dù áp lực ngắn hạn này chưa gây rủi ro hệ thống.


Áp lực đè nặng lên doanh nghiệp xuất khẩu

Theo lý thuyết, tỷ giá tăng thường mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với Việt Nam, tình hình thực tế phức tạp hơn.

Số liệu xuất khẩu suy giảm

Theo Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa từ ngày 1/4 đến 15/4/2025 đạt 35,44 tỷ USD, nâng tổng trị giá lũy kế đến giữa tháng 4 lên 237,97 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 4 giảm 6,9% so với cùng kỳ tháng 3 và giảm 18,3% so với nửa cuối tháng 3, báo hiệu nhiều khó khăn trong quý II, đặc biệt dưới tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ.

Chi phí đầu vào tăng cao

Do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chịu áp lực nặng nề khi tỷ giá tăng. Những ngành sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu như điện tử, dược phẩm, máy móc thiết bị... đối mặt với lựa chọn tăng giá bán hoặc giảm biên lợi nhuận.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,12 tỷ USD (32,5%), còn nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng 2,64 tỷ USD (21,2%) so với cùng kỳ năm trước.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, nhận định rằng hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 90% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn linh kiện sản xuất lại phải nhập khẩu, dẫn đến chi phí đầu vào tăng khi USD lên giá, làm giảm lợi thế cạnh tranh.


Giải pháp đối phó áp lực tỷ giá

Trước tình hình tỷ giá tăng cao, NHNN cam kết điều hành tỷ giá linh hoạt và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Các chuyên gia đề xuất một số giải pháp:

Tăng cường bán ngoại tệ: NHNN cần can thiệp mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu USD trên thị trường.

Nâng dự trữ bắt buộc USD: Các ngân hàng thương mại có thể tăng dự trữ USD để giảm bớt áp lực từ đầu cơ.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Cung cấp thông tin kịp thời về thị trường quốc tế và chính sách mới để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược.

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, và đa dạng hóa thị trường để đối phó với biến động tỷ giá.

Source: https://haiquanonline.com.vn/suc-ep-ty-gia-de-nang-tren-vai-doanh-nghiep-xuat-khau-195933.html

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS