Sửa một số quy định về hoạt động thương mại biên giới

23.10.2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP, trong đó sửa đổi và bổ sung một số nội dung của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về quy định chi tiết liên quan đến hoạt động thương mại biên giới.

Phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được phép áp dụng cho các hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa của cư dân tại khu vực biên giới.

Theo Nghị định số 122/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới. 

Cụ thể, Nghị định vẫn giữ nguyên 3 hình thức thanh toán gồm: thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu (với phần chênh lệch được thanh toán qua ngân hàng); và thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, điểm thay đổi đáng chú ý là phương thức thanh toán bằng tiền mặt hiện nay chỉ giới hạn cho các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn hàng hóa trong thương mại biên giới

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 4a, quy định cụ thể về tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới. 

Theo quy định mới này, hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới bởi thương nhân và cư dân biên giới phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước nhập khẩu.

Sửa đổi điều kiện đối với chủ thể tham gia mua bán tại chợ biên giới

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP liên quan đến các chủ thể được phép hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới. Cụ thể, các chủ thể bao gồm: Thương nhân và công dân mang quốc tịch Việt Nam đã đăng ký cư trú tại khu vực biên giới; Thương nhân và công dân mang quốc tịch của nước có chung đường biên giới, có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu cùng thị thực còn hiệu lực, ngoại trừ trường hợp được miễn thị thực. Những giấy tờ này phải tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 51/2019/QH14 và Luật số 23/2023/QH15); Thương nhân, hộ kinh doanh và cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung đường biên giới, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật của nước đó.

Những sửa đổi đảm bảo hoạt động thương mại tại chợ biên giới được quản lý chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa các vùng giáp biên.

Điều chỉnh quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam

Nghị định số 122/2024/NĐ-CP đã cập nhật các quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 21 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP liên quan đến xuất nhập cảnh của cá nhân và phương tiện vận tải qua biên giới.

Theo quy định sửa đổi, chủ hàng, người đại diện được ủy quyền, chủ phương tiện, người lái phương tiện vận tải hàng hóa, cùng với nhân viên phục vụ trên các phương tiện như xe, tàu, thuyền, nếu mang quốc tịch Việt Nam phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam. (Luật số 49/2019/QH14, đã sửa đổi theo Luật số 23/2023/QH15).

Đối với người điều khiển phương tiện, ngoài các giấy tờ xuất nhập cảnh cần phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.

Ngoài ra, phương tiện vận tải cùng người điều khiển và các chủ thể kinh doanh của Việt Nam được phép qua các cửa khẩu và lối mở biên giới quy định trong Nghị định này để di chuyển ra vào chợ biên giới của các nước láng giềng. Tuy nhiên, họ phải trải qua các thủ tục kiểm tra và giám sát của các lực lượng chuyên trách tại các cửa khẩu và lối mở biên giới, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật..

Quy định mới về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới

Theo Nghị định số 122/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, Chính phủ đã đưa ra các quy định mới liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2029, cư dân biên giới khi thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa phải trực tiếp có mặt để tiến hành thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng yêu cầu trong năm 2029, Bộ Tài chính sẽ đánh giá và báo cáo Chính phủ để xem xét điều chỉnh số lần và số tiền được miễn thuế đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Từ ngày 1/1/2030, việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ chỉ được thực hiện tại các điểm thông quan quy định rõ ràng như: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương), cửa khẩu phụ và các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Ngoài ra, các lối mở biên giới phải tuân thủ quy trình mở, nâng cấp theo pháp luật hiện hành và đạt được thỏa thuận song phương về việc cho phép  XNK cũng như trao đổi hàng hóa.

Source: https://baoxaydung.com.vn/sua-mot-so-quy-dinh-ve-hoat-dong-thuong-mai-bien-gioi-385559.html 

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS