Số hóa ngành Logistics vẫn còn chậm tại TP. Hồ Chí Minh

07.02.2023

Qua khảo sát về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Logistics tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, chúng ta có thể thấy được phần nào về khả năng số hóa ở các doanh nghiệp Logistics ở nước ta vẫn còn thấp và chưa thực sự đồng đều.

Điều này khiến cho việc kết nối, đồng bộ tạo thành chuỗi cơ sở dữ liệu Logistics dùng chung cho Nhà nước và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thống kê về mức độ số hóa của các doanh nghiệp Logistics tại TP. Hồ Chí Minh?

Báo cáo cho thấy, TP. Hồ Chí Minh (HCM) tập trung tới hơn 50% số các doanh nghiệp hoạt động Logistics trên cả nước (do đó thực trạng Logistics tại HCM thể hiện phần nào bức tranh Logistics chung của Toàn Quốc). 

Thống kê về thực trạng số hóa Logistics trên địa bàn cho thấy:

- Lượng các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mã vạch chỉ chiếm 10,2% và sử dụng công nghệ RFID (quản lý luân chuyển hàng hóa) chỉ chiếm 2.5%;

- Lượng doanh nghiệp Logistics ứng dụng ERP đạt khoảng 44,8%;

- Lượng doanh nghiệp ứng dụng hệ thống WMS – Quản lý kho hàng đạt 41,4%

Trong cuộc khảo sát cũng thấy nhiều doanh nghiệp tại HCM đang gặp nhiều hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng quản lý, khó khăn trong việc phát triển đội ngũ nhân lực có chuyên môn hay tài chính yếu dẫn tới việc đầu tư hạ tầng cơ sở kém.

Đánh giá của các chuyên gia về vấn đề này?

Nếu so với những số liệu trên với vài năm trước, quả thực Logistics tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã có một bước chuyển mình lớn.

Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử gần đây đã thúc đẩy các doanh nghiệp Logistics Việt chuyển mình, đẩy mạnh đầy tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, kho bãi và ứng dụng các công nghệ hiện đại mới để gia tăng thêm khả năng đóng góp của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, đại đa số của doanh nghiệp Logistics tại HCM mới ở quy mô vừa và nhỏ do vậy những đơn vị này còn thiếu nhiều kinh nghiệm, vốn đầu tư và đào tạo. Chúng ta thiếu nhiều nhân sự giỏi, có nghiệp vụ chuyên môn để phát triển dịch vụ.

Đây cũng chính là lý do tại sao nếu so với khu vực và thế giới, năng lực ứng dụng số hóa của nhiều doanh nghiệp Logistics Việt mới dừng ở mức trung bình, thậm chí còn thua xa với tiêu chuẩn của các đối tác, tập đoàn Quốc tế.

Một số chuyên gia có nhận đinh:

1. Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam

“Hiện tại, Logistics trên thế giới đã phát triển đến 4PL, 5PL, trong khi đó, việc ứng dụng và kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt mới đang dừng ở mức sơ khai. Mức độ ứng dụng thông tin của chúng ta còn thấp và yếu. Bên cạnh đó, nước ta cũng tồn tại một số hành lang pháp lý chưa phù hợp tạo ra rào cản cho việc số hóa Logistics”.

2. Ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương Hồ Chí Minh

“Tuy còn nhiều hạn chế trong việc phát triển các dịch vụ Logistics nhưng chúng ta cũng cần nhìn ra những điểm sáng trong chuyển đổi số ở lĩnh vực đặc thù này. Ở HCM, có tới 99% các phương tiện vận tải được gắp giám sát hành trình GPS, dữ liệu được đồng bộ về trung tâm điều hành. Tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng truyền dữ liệu điện tử (EDI) hiện đạt 72,4% tập trung vào các khâu xử lý hải quan, xử lý vận đơn của các nhà vận chuyển.

Đề án phát triển Logistics TP. Hồ Chí Minh đến 2025 và tầm nhìn 2030 quy hoạch 7 trung tâm Logistics đạt chuẩn. Ngành công thương HCM sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa và tự động hóa trong việc lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu. Đơn vị này cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái dữ liệu Logistics dùng chung cho doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước dựa trên các công nghệ khoa học về dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Clound), … Mục tiêu phát triển đề án sẽ giảm chi phí Logistics từ 20% GRDP địa phương hiện tại xuống khoảng 18,6%.

3. Bà Võ Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh

“Để giảm chi phí Logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB -> CIF nhằm chủ động hơn trong việc lựa chọn các lịch vận chuyển phù hợp, tìm nhà cung ứng uy tín, có được chi phí giá tàu tiết kiệm, tránh được các rủi ro khi vận tải hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên sử dụng các dịch vụ tích hợp chuỗi: khai thác, xử lý hàng, khai báo hải quan, vận tải, … để tối ưu hóa chi phí Logistics”. 

Trên đây là điểm tin nhanh về thực trạng Số hóa ngành Logistics vẫn còn chậm tại TP.Hồ Chí Minh. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm được nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Theo dõi và thu thập thêm nhiều thông tin chính xác, hữu ích về thị trường Logistics Việt Nam tại ALS.

(Bài viết được tổng hợp từ thời báo ngân hàng).

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS