Năm 2023 được đánh giá là năm thành công với Việt Nam khi thu hút được nhiều FDI công nghệ cao. Trong tương lai, Việt Nam có khả năng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng về sản xuất điện tử, ngành hàng không vũ trụ toàn cầu….Nhưng vẫn có lo ngại rằng doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam làm thế nào để tham giá vào chuỗi cung ứng này?
Làn sóng FDI hỗ trợ của Trung Quốc đổ bộ
Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết hiện có khoảng 1500 doanh nghiệp hỗ trợ nội địa, chủ yếu về cơ khí, điện, điện tử, nhưa, cao su, hóa chất….Nhưng thời gian qua các doanh nghiệp đã sụt giảm doanh thu khá nghiêm trọng khi có đơn vị giảm tới 40% đơn hàng.
Một điều mà ông Tuất cảnh báo rằng hiện có làn sóng đổ bộ của công nghiệp hỗ trợ Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô lớn và nhanh. Từ đó họ sẽ hình thành chuỗi sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu.
Về quy mô, doanh nghiệp Việt hiện mua ở mức nhỏ lẻ nên có mức giá cao, ngược lại các doanh nghiệp ngoại lượng mua lớn nên có giá thấp. Hiện vốn vay của Việt Nam gấp 4 – 5 lần và vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 thì có sức cạnh tranh yếu.
Theo chia sẻ từ bà Đỗ thị Thúy Hương – Uỷn viên Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VIệt Nam (VEIA) cho biết hiện có nhiều hãng điện tử lớn chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp
“"Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam", bà Hương cho biết.
Theo bà Hương đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nhưng con đường đó còn dài để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn như Apple, Beoing, Airbus,…
Ngoài ra, các doanh nghiệp vệ tinh cũng sẽ theo chân các tập đoàn lớn vào Việt Nam để đảm bảo cung ứng, như vậy sẽ càng khó khăn cho doanh nghiệp Việt.
Sẽ sớm xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm
Hiện Boeing đang tìm kiếm đơn vị cung ứng Việt nam, và đang có 6 đơn vị cung cấp linh kiện, chi tiết, phần mềm cho Boeing. Chẳng hạn như Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel đang là nhà cung ứng cấp 3 cho tập đoàn hàng không này.
Về ngành cơ khí, số lượng xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam nhiều, nhưng chủ yếu thị phần do doanh nghiệp FDI nắm giữ. Giá sản phẩm cơ khí của Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn Ấn Độ và Trung Quốc, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hôi cơ khí Việt Nam.
Lý do theo ông Sáng khiến sản phẩm cơ khí của Việt Nam kém cạnh tranh hơn là vì nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, để cạnh tranh về giá chỉ có cách cắt giảm chi phí nhân công.
Trước thực tế như vậy, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có kiến nghị về xây dựng chiến lược, nâng cao vai trò của công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra còn cần có đạo luật riêng về công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thúc đẩy phát triển.
Về vấn đề này, Cục công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật công nghiệp trong điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025.
Thêm vào đó, Cục công nghiệp cũng sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như: ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa…Từ đó thống nhất định hướng phát triển ngành giai đoạn mới.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/viet-nam-se-thanh-trung-tam-dien-tu-vu-tru-hang-khong-nhung-se-co-bao-nhieu-doanh-nghiep-noi-vao-duoc-chuoi-1097423.html