Nhiều doanh nghiệp logistics giảm lãi

10.09.2024

Nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics báo cáo lợi nhuận suy giảm. Nguyên nhân chính là do giá vốn tăng cao và các khoản chi phí vận hành leo thang khiến lợi nhuận bị bào mòn đáng kể.

Một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh

Một số doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhờ sự cải thiện từ mảng kinh doanh cốt lõi. Điển hình là Công ty CP Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán: VSC), với doanh thu thuần đạt 718 tỉ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, công ty còn ghi nhận khoản thu từ hoạt động tài chính lên đến 22,8 tỉ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Mặc dù chi phí tài chính giảm 10% xuống còn 39 tỉ đồng, nhưng chi phí quản lý và chi phí bán hàng lại lần lượt tăng 24% và 109%, đạt mức 41 tỉ đồng và gần 37 tỉ đồng. Kết quả là Viconship báo cáo lãi sau thuế 91,5 tỉ đồng, tăng 166,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã đạt doanh thu thuần gần 1.304 tỉ đồng, tăng 30,6%. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 203 tỉ đồng và 162 tỉ đồng, tăng lần lượt 93,3% và 109,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, Viconship đã hoàn thành 53,2% mục tiêu doanh thu và 63,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trong kế hoạch của cả năm.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm

Dù doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn ghi nhận sụt giảm lợi nhuận do các yếu tố như: giảm doanh thu tài chính, chi phí đầu vào tăng cao, giá thuê tàu hạ và mức cước vận chuyển trung bình giảm.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 29% và đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong một quý. Lợi nhuận gộp cũng ghi nhận mức tăng trưởng 26%, lên đến 542 tỉ đồng, mức kỷ lục mới.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại giảm mạnh 98%, chỉ còn 28 tỉ đồng. Do năm trước công ty có ghi nhận khoản thu đáng kể từ việc chuyển nhượng cổ phần tại Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Do đó, lợi nhuận sau thuế trong quý II của Gemadept chỉ đạt 418 tỉ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Gemadept đạt tổng doanh thu 2.187 tỉ đồng, tăng 21%, ghi nhận mức doanh thu bán niên cao nhất trong lịch sử của công ty. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh 51%, chỉ còn 1.219 tỉ đồng do không còn nguồn thu tài chính đột biến như cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm sâu 45,5%, đạt 1.074 tỉ đồng.

Với kết quả này, Gemadept đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và vượt qua 72% mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm.

Tương tự, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã: HAH) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong nửa đầu năm, với doanh thu thuần đạt 948,8 tỉ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính của công ty lại rơi vào mức âm 1,48 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước đạt dương 7,92 tỉ đồng). Bên cạnh đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng vọt 83,8%, lên 34,88 tỉ đồng. Điều này cũng gây áp lực lớn lên lợi nhuận của công ty.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đã tăng 56%, đạt 43,75 tỉ đồng. Trong khi các hoạt động khác ít có sự biến động đáng kể. Kết quả là công ty báo cáo lãi sau thuế đạt 126,5 tỉ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, một “ông lớn” khác trong ngành logistics là Công ty CP Transimex (TMS) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 đạt 821 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 132 tỉ đồng, tăng 44%.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Transimex giảm 9%, chỉ còn 19,3 tỉ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng mạnh gấp 2,1 lần, lên tới 39,7 tỉ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, lần lượt gấp 4,1 lần và 16% so với cùng kỳ. Kết quả là công ty báo cáo lãi sau thuế quý II/2024 đạt 36,5 tỉ đồng, tăng 38,7% so với quý II/2023.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Transimex đạt 1.511 tỉ đồng, tăng 53%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 63,8 tỉ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá vốn tăng cao và các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh.

Source: https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-doanh-nghiep-logistics-giam-lai-1382934.ldo 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS