Ngành logistics đón bình minh sau bão

04.10.2024

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và biến động lớn ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn giữ được sự lạc quan. Tại Việt Nam, mặc dù ngành logistics phải chịu tác động mạnh từ bão Yagi nhưng vẫn tự tin rằng quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng nhờ những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu.

Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng container qua các cảng tại Việt Nam đạt 14,3 triệu TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Các cảng lớn như Vũng Tàu ghi nhận mức tăng trưởng 30%, Hải Phòng tăng 15%, và TP.HCM tăng 13%. Sự khởi sắc này phần lớn xuất phát từ sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. 

Doanh nghiệp Việt “vượt bão”

Vào tháng 9/2024, ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam hứng chịu cú sốc lớn từ cơn bão số 3, gây tổn thất nghiêm trọng cho các cảng biển, kho bãi và nhà xưởng ở khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ. Những thiệt hại nặng nề về hạ tầng logistics khiến quá trình phục hồi được dự đoán kéo dài và đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ.

Theo khảo sát từ CEL diễn ra từ ngày 10/9 đến 15/9/2024, với sự tham gia của 216 doanh nghiệp, 15,4% báo cáo bị gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Trong khi 53,6% gặp phải chậm trễ trong hoạt động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ có 6,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết không bị tác động bởi cơn bão Yagi.

Đặc biệt, tác động của bão làm gián đoạn sâu rộng hoạt động của các đối tác trong ngành, với 73,3% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà khai thác cảng, dịch vụ logistics bên thứ ba, vận tải và chuỗi cung ứng lạnh là những nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất, khiến cho việc khôi phục sản xuất và vận hành gặp nhiều thách thức.

Sự cố mất điện, hư hỏng hàng hóa và sạt lở đường bộ đã gây ra gián đoạn lớn cho chuỗi cung ứng ở khu vực miền Bắc. Trong đó ngành logistics chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có tới 82,4% doanh nghiệp trong ngành báo cáo bị gián đoạn ở mức nghiêm trọng hoặc vừa phải, và ngành sản xuất cũng chịu tác động không nhỏ.

Tuy nhiên, nhờ việc huy động nguồn lực nhanh chóng và hiệu quả, 44,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng có thể khôi phục hoạt động chỉ trong vòng 1-2 tuần.

Sau khi bão Yagi đi qua, Cảng Hải Phòng đã lập tức triển khai các biện pháp sửa chữa, dọn dẹp và khôi phục hoạt động từ ngày 9/9, đảm bảo quy trình bốc xếp hàng hóa diễn ra suôn sẻ, không để tình trạng tàu thuyền phải chờ đợi kéo dài. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Hàng hải tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã nhanh chóng được đưa về trạng thái ổn định, giúp chuỗi cung ứng tại khu vực từng bước phục hồi.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ, nhờ vào những nỗ lực khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, 95% doanh nghiệp tại khu vực này đã có thể khôi phục sản xuất, đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đơn đặt hàng quan trọng. Phần lớn doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

Mặc dù quá trình phục hồi có thể kéo dài và gặp phải nhiều thách thức không lường trước, nhưng triển vọng khôi phục vẫn rất khả quan. Theo đại diện của CEL, điều cần thiết hiện nay là tái thiết kế chuỗi cung ứng một cách linh hoạt hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn để có thể phục hồi nhanh chóng sau mỗi khủng hoảng. "Khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng là yếu tố thiết yếu mà chúng ta cần phải xây dựng," vị đại diện nhấn mạnh.

Triển vọng tích cực

Dưới góc nhìn toàn cầu, tổng sản lượng container qua các cảng trên thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay. Nhiều khu vực đạt được con số tăng trưởng hai chữ số. Sự bùng nổ này được dự báo sẽ là dấu hiệu tích cực cho ngành logistics Việt Nam trong giai đoạn cuối năm.

Tuy vậy, theo nhận định từ Shinhan Securities, dòng chảy thương mại toàn cầu vẫn gặp phải nhiều trở ngại. Một phần do nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu vận chuyển container. Một phần khác là do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cảng lớn trên thế giới.

Nhu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu tăng rõ rệt. Các nhà bán lẻ dự đoán rằng nhập khẩu vào Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là trước mùa mua sắm quan trọng diễn ra vào mùa thu.

Theo ước tính từ tổ chức BIMCO, việc thay đổi lộ trình của các tàu đã khiến nhu cầu vận chuyển container toàn cầu tăng thêm khoảng 10%. Đáng chú ý, công suất thực tế của các chuyến khởi hành từ châu Á đến Bắc Âu đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước do các tàu phải di chuyển qua tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng. Dù vậy, năng lực tàu trên tuyến này lại ghi nhận mức tăng đáng kể lên tới 178%, theo báo cáo của Linerlytica.

Thời gian gần đây, nhiều cảng lớn trên thế giới, bao gồm Jebel Ali (UAE), Singapore, và khu vực miền Nam Trung Quốc phải đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, gây ra những gián đoạn đáng kể trong hoạt động vận tải biển.

Các trở ngại này làm giảm nguồn container rỗng sẵn có để đóng hàng tại các cảng, do thời gian quay vòng của container kéo dài hơn. Đồng thời cũng gây ra tình trạng tắc nghẽn cảng. Điển hình là sự cố ngày 9/8, khi một container chứa hóa chất nguy hiểm trên tàu YM Mobility phát nổ tại khu vực III của cảng Ninh Ba, Trung Quốc. Các cảng lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là Ninh Ba và Thượng Hải có tình trạng trì hoãn nghiêm trọng. Hiện tượng tắc nghẽn cảng cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Bắc Á và Nam Mỹ.

Hiện tại, giá cước vận tải biển đã tăng mạnh trên hầu hết các tuyến thương mại, vượt qua mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ vào đầu năm nay. Mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa tại Mỹ và châu Âu, cùng với việc kéo dài thời gian vận chuyển do phải tránh Biển Đỏ và đối mặt với điều kiện thời tiết xấu ở châu Á đã tác động mạnh đến dòng chảy thương mại trên các tuyến hàng hải chính của thế giới.

Thêm vào đó, những lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và mức thuế tăng cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng đẩy giá cước vận tải biển lên cao. Dự báo cho thấy giá cước sẽ tiếp tục giữ ở mức cao từ nay đến hết năm 2024, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược vận chuyển và logistic để thích ứng.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động, Việt Nam với việc tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được đánh giá sẽ có cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đang có những lợi thế vượt trội so với các nước trong khu vực để nắm bắt cơ hội này.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và logistics toàn cầu, đặc biệt trong dài hạn khi các tập đoàn nước ngoài liên tục đẩy mạnh đầu tư để khai thác tiềm năng vận tải thương mại xuyên biên giới. Những tên tuổi lớn như Tập đoàn vận tải FESCO (Nga), dịch vụ trực tuyến của Alibaba.com và Công ty giao nhận hàng hóa Flexport (Mỹ) đều đang tích cực đầu tư vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics trong nước.

Tuy nhiên, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn về hạ tầng và kết nối, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông, để giải quyết những khó khăn này, việc tối ưu hóa hệ thống cảng biển là điều cấp thiết.

"Việt Nam cần xây dựng đồng bộ giữa cảng biển và cảng cạn để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, đồng thời đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế ở các địa phương mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực và toàn quốc," ông Hoàng chia sẻ về tầm quan trọng của chiến lược dài hạn trong phát triển hệ thống logistics của Việt Nam.

Source: https://vnbusiness.vn/viet-nam/nganh-logistics-don-binh-minh-sau-bao-1102419.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS