Ngành hàng không Việt Nam bứt phá ngoạn mục

22.08.2024

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 17% mỗi năm, gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình của hàng không các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (6-8%/năm), ngành hàng không Việt Nam đã thể hiện sự bứt phá đáng kinh ngạc, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Trần Văn Tùng trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Đầu tư Hàng không Việt Nam với chủ đề "Training – MRO – Logistics" diễn ra sáng ngày 15/8/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, đại diện từ các tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng không cùng các trường đào tạo hàng không trong và ngoài nước.

Ngành hàng không Việt Nam đạt bước tiến ấn tượng

Theo ông Trần Văn Tùng, hàng không Việt Nam là một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật - đối ngoại còn khá non trẻ so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách đổi mới và hội nhập đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngành đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ qua. Hiện tại, ngành hàng không Việt Nam đã trải qua gần 30 năm hoạt động an toàn tuyệt đối. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số (14-17%/năm), gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á (6-8%/năm). Những thành tựu này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện tại, ngành hàng không Việt Nam đã phát triển một đội bay đa dạng với tổng cộng hơn 221 máy bay. Trong số này, Vietnam Airlines sở hữu 104 chiếc, bao gồm các mẫu hiện đại như Boeing 787-9, Boeing 787-10, và Airbus A350. Đồng thời, hãng cũng khai thác dòng máy bay thân hẹp A321neo. Jetstar Pacific, thành viên của Vietnam Airlines, hiện đang vận hành 18 chiếc A320 và A321neo. Vietjet Air có đội bay gồm 68 chiếc, chủ yếu là A320 và A321neo. Trong khi Bamboo Airways đang khai thác 17 máy bay Boeing 787-9. Các công ty khác như Vasco, Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu, Công ty Công nghệ Hành tinh Xanh, Công ty Cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt và Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không sở hữu 14 máy bay, chủ yếu thuộc dòng ATR72 và thủy phi cơ.

Hạ tầng hàng không cũng đã được chú trọng đầu tư với các dự án sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các cảng hàng không hiện đại. Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mức đầu tư lên đến 16,03 tỷ USD được kỳ vọng sẽ trở thành cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò là trung tâm trung chuyển (HUB) quan trọng của khu vực và thế giới. Hệ thống quản lý bay tại Việt Nam cũng đã được nâng cấp và hiện đại hóa, sánh ngang với các nước tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy thị trường vận chuyển hành khách quốc tế có sự tăng trưởng đáng kể. Trong khi thị trường nội địa có dấu hiệu suy giảm. Tổng số khách quốc tế đạt hơn 20 triệu lượt, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển gần 9 triệu khách quốc tế, tăng 28% so với năm trước, chiếm 44% thị phần quốc tế. Riêng Vietnam Airlines và Vietjet Air chiếm thị phần lần lượt là 17,8% và 24,5%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng hàng không đạt trên 721.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hàng hóa nội địa chiếm 228.000 tấn và hàng hóa quốc tế đạt 492.000 tấn.

Sự liên kết giữa ngành hàng không đối với các nhu cầu khác của thị trường

Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam liên tục phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết. Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu cho các thế hệ lao động trẻ là điều kiện tiên quyết. Do đó, việc phát triển các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế để đảm bảo rằng lực lượng lao động được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành hàng không toàn cầu là điều vô cùng quan trọng. 

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sân bay tại Việt Nam cần phải được nâng cấp và phát triển để theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành. Dù đã có những nỗ lực cải tạo và mở rộng, nhưng để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng không quan trọng trong khu vực, cần có sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về vấn đề này, theo bà Lương Thị Xuân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam cho rằng, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay không chỉ không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho ngành mà còn tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế quốc gia.

Một yếu tố quan trọng là việc phát triển các cơ sở bảo dưỡng máy bay, đặc biệt tại các sân bay quy mô nhỏ. Đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong hoạt động hàng không. Sự mở rộng này không chỉ cải thiện năng lực bảo trì và sửa chữa máy bay mà còn mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, theo chia sẻ của bà Lương Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam.

Ngoài ra, mối quan hệ tương tác giữa ngành hàng không và du lịch cũng đóng vai trò quan trọng. Sự phát triển của ngành hàng không có tác động tích cực đến ngành du lịch. Đồng thời, sự tăng trưởng của du lịch lại tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho dịch vụ hàng không. Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, cần khai thác triệt để cơ hội này để thúc đẩy sự phát triển song hành của cả hai ngành, từ đó góp phần gia tăng giá trị kinh tế.

Chương trình đầu tư hàng không Việt Nam - Training – MRO – Logistics nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới trong ngành hàng không, giải quyết nhu cầu về nhân lực trong giai đoạn 2025-2030. Đồng thời thúc đẩy thương mại và xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp nội địa. Chương trình cũng tạo điều kiện tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong ngành hàng không quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác giữa các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước kết nối, hợp tác, mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, lễ ký kết hợp tác đã diễn ra giữa Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam và các đối tác bao gồm: Trường Cao đẳng Hàng không Canada (CAC), Viện Khoa học Hàng không Việt Nam (ASI), Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thống Nhất – Đồng Tháp, Trường Hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS), Công ty CP Cung ứng Nguồn nhân lực Hàng không ATL, Công ty CP RIE, và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xây dựng Đại Nam.

Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/nganh-hang-khong-viet-nam-but-pha-ngoan-muc.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS