Ngành Hải quan hỗ trợ và khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu

08.07.2024

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ liên tục, kịp thời cho doanh nghiệp, các đơn vị hải quan đã nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ và xây dựng niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Trong thời gian quan, ngành Hải quan đã nỗ lực không ngừng trong việc cải cách và hỗ trợ, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, thu hút đầu tư. Những cải tiến mạnh mẽ trong công tác thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hàng hóa đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động XNK.

Đặc biệt, việc triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Hệ thống này cho phép DN thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành và các quy trình khác tại một điểm duy nhất, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường tính minh bạch. Ngoài ra, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các quy trình hải quan đã tối ưu hóa quá trình xử lý hồ sơ và quản lý rủi ro, giúp DN giảm thời gian chờ đợi và tăng hiệu quả hoạt động.

Để hướng dẫn và cập nhật thông tin cho doanh nghiệp, các buổi tập huấn và hội thảo được tổ chức tại cả ba cấp: tổng cục, cục và chi cục. Tại đây, các quy định mới, thủ tục hải quan được giới thiệu chi tiết, đồng thời giải đáp trực tiếp các thắc mắc và vướng mắc từ phía doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh, cơ quan hải quan đã thiết lập đường dây nóng và trung tâm hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp và nhanh chóng nhận được sự giải quyết cho các kiến nghị của mình.

Đặc biệt, cơ quan hải quan đã không ngừng nỗ lực trình bày và đề xuất các thay đổi cần thiết đối với quy định pháp luật lên cấp có thẩm quyền, đồng thời cải thiện quy trình kiểm tra thực tế hàng hóa bằng cách áp dụng các phương pháp phân tích rủi ro. Nhờ đó, nguồn lực được tập trung vào những lô hàng có nguy cơ cao, giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi cho các lô hàng khác. Hơn nữa, cơ quan hải quan đã tăng cường phối hợp với các đơn vị như kiểm dịch thực vật, y tế, và an ninh, đảm bảo quy trình thông quan hàng hóa diễn ra thông suốt và hiệu quả.

Các sáng kiến và cải cách này đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động hải quan.

Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục

Ngoài việc thực hiện theo các hướng dẫn chung của toàn ngành, các cục hải quan tại các tỉnh, thành phố đã linh hoạt áp dụng những cải tiến cụ thể dựa trên tình hình thực tế của từng doanh nghiệp (DN) tại địa phương. Nhờ việc giảm thiểu các rào cản thủ tục và tăng cường kiểm soát rủi ro, các cục hải quan đã thu hút được nhiều DN đến làm thủ tục hải quan hơn.

Cục Hải quan Đà Nẵng đã khởi động Chương trình thí điểm nhằm hỗ trợ và khuyến khích DN tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ông Bùi Tuấn Hải, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng, cho biết chương trình này là một bước đột phá, thể hiện cam kết thực hiện 6 chuyển đổi của Hải quan Đà Nẵng với cộng đồng DN trong năm 2024. Tính đến nay, cục đã ký kết biên bản ghi nhớ và công nhận thành viên với 8 DN, đồng thời triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ sau khi ký kết.

Cục Hải quan Hải Phòng đã khởi xướng sáng kiến xây dựng và triển khai “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục”. Hệ thống này thu thập và tổng hợp các ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp (DN) về chất lượng phục vụ của công chức, các đội công tác và chi cục hải quan liên quan đến từng tờ khai và hồ sơ cụ thể. Nhờ đó, cơ quan hải quan có thể nhanh chóng kiểm tra, xác minh và xử lý các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chậm trễ hoặc sai sót nghiệp vụ (nếu có). Đồng thời, hệ thống cũng giúp xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận và cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục, qua đó tăng cường vai trò giám sát của người dân và DN, và nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ.

Tại địa bàn quản lý của Hải quan Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, hiện cục đang giám sát khoảng 6.500 doanh nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu và chế xuất. Với lực lượng cán bộ, công chức hạn chế và địa bàn quản lý trải dài qua ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên, đơn vị đã tối đa hóa việc sử dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng thủ tục cho các doanh nghiệp.

Ở Hải quan Khánh Hòa, nơi quản lý nhiều khu kinh tế và khu công nghiệp với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Cục Hải quan Khánh Hòa tập trung vào việc phát triển, cải cách thủ tục và hiện đại hóa quy trình hải quan. Theo ông Vũ Lê Quân, Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa, cục đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hải quan cho từng đơn vị, nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Cục cũng đặt mục tiêu tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn. Ngoài ra, Hải quan Khánh Hòa còn duy trì hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin và giải đáp các vướng mắc cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-ho-tro-va-khoi-thong-dong-chay-hang-hoa-xuat-nhap-khau-153640.html

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS