Lạng Sơn xây dựng hệ thống logistics cửa khẩu hiện đại

06.09.2024

Trong nhiều năm qua, cùng với sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ logistics. Giúp quá trình xuất nhập khẩu diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhằm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của quốc gia, Lạng Sơn đã đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn diện các dịch vụ logistics. Đồng thời gắn kết chặt chẽ với việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới và xuất nhập khẩu.

Tác động tích cực từ việc phát triển dịch vụ logistics

Lạng Sơn có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế trong việc phát triển dịch vụ logistics, nhờ vị trí chiến lược như một "cầu nối" quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Tỉnh cũng giữ vai trò là cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động giao thương hai chiều.

Ngoài ra, với hệ thống cửa khẩu phong phú, bao gồm cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng; cửa khẩu chính song phương Chi Ma (Lộc Bình) và 9 cửa khẩu phụ, cùng các chợ biên giới, Lạng Sơn đã trở thành điểm nút quan trọng trong mạng lưới xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Bà Hà Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, trước năm 2013, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ đạt hơn 500 phương tiện/ngày. Tuy nhiên, nhờ việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển hệ thống kho bãi và các dịch vụ liên quan, năng lực thông quan tại đây đã tăng hơn gấp đôi.

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương chia sẻ, công ty của ông đã và đang hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực khai thác và cung cấp các dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics. Nhận thức rõ tầm quan trọng của logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu, công ty đã liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới ngày càng phát triển.

Hiện tại, công ty quản lý một bến xe có diện tích trên 30.000 m2, đủ sức phục vụ hơn 1.500 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi ngày. Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu 4 kho bảo quản hàng hóa lạnh và 8 kho bảo quản hàng hóa khô với tổng diện tích hơn 1.000 m2, đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa của các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Không chỉ tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhờ vào việc đầu tư nâng cấp hạ tầng và triển khai đồng bộ các dịch vụ logistics như kho bãi, vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ liên quan, năng lực thông quan tại các cửa khẩu khác của tỉnh cũng đã được cải thiện đáng kể.

Theo ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đạt khoảng 600-700 xe mỗi ngày, trong khi tại cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) con số này đạt trung bình 600 xe/ngày. Riêng ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể vận chuyển tới 120 toa hàng mỗi ngày.

Kết quả này có được là nhờ vào sự nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng cửa khẩu và dịch vụ logistics. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 39 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dịch vụ kho bãi, bảo quản hàng hóa và bến xe tại khu vực cửa khẩu.

Trong số đó, các doanh nghiệp đã xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu, bao gồm 8 kho lạnh và 20 kho khô. Đồng thời, 23 bến xe cũng đã được đầu tư tại các cửa khẩu nhằm phục vụ cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nhìn chung, hệ thống kho bãi và bến xe tại các cửa khẩu đã được đầu tư và xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình lưu thông, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn có hơn 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ hải quan và ủy thác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh.

Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics hiện đại

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ hải quan tại Lạng Sơn đang ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của các chủ hàng và doanh nghiệp trong nước cũng như đối tác từ Trung Quốc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm bớt gánh nặng công việc và chi phí trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng và lượng hàng hóa liên tục tăng cao.

Đặc biệt, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đã đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 85,12% so với năm 2022. Chỉ trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đã đạt gần 28,2 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, trong cả năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn có thể vượt mốc 55 tỷ USD.

Theo bà Liễu Minh Anh, Phó Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có bằng cách chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành một trung tâm logistics cửa khẩu hiện đại hàng đầu của cả nước. Từ năm 2022, tỉnh đã triển khai nền tảng cửa khẩu số, liên tục nâng cấp hệ thống để hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ và kinh doanh tại cửa khẩu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và logistics nhằm nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu. Hiện tại, tỉnh đang phối hợp với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án logistics quan trọng như khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang tại khu phi thuế quan. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào dự án cảng cạn Lạng Sơn với quy mô 75 ha và phát triển các dự án đô thị, trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa quốc tế.

Trong năm nay, tỉnh Lạng Sơn đang dồn lực để hoàn thành Đề án thí điểm phát triển cửa khẩu thông minh trên tuyến đường chuyên dụng cho vận chuyển hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp logistics tối ưu hóa hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, góp phần vào việc phát triển dịch vụ logistics trên toàn quốc. Tỉnh dự kiến đẩy mạnh thu hút đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics thông qua việc rà soát và cập nhật quy hoạch, bảo đảm hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải được đồng bộ hóa. Đồng thời, các tuyến đường vành đai biên giới, lối ra vào cửa khẩu cũng sẽ được nâng cấp nhằm tăng cường khả năng kết nối, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và dịch vụ logistics. Đặc biệt, việc hoàn thành dự án đường cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Nguồn: https://baolangson.vn/lang-son-xay-dung-he-thong-logistics-cua-khau-hien-dai-5018933.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS