Hàng loạt dự án trọng điểm giúp giảm chi phí logistics

12.02.2025

Khu vực Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành. 

Nguồn image: Baodautu

Những công trình này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí logistics, vốn đang chiếm hơn 30% giá thành sản phẩm, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.

Hiện nay, Công ty TNHH Kho vận Mekong thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Đồng Nai đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng việc đi lại vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào Quốc lộ 51 – tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc. Sự quá tải này khiến chi phí logistics bị đội lên đáng kể, chiếm khoảng 35% - 40% giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp kỳ vọng rằng khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, vấn đề ùn tắc sẽ được giải quyết, giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối liên vùng, qua đó giảm chi phí vận tải và nâng cao hiệu quả logistics.

Do hạn chế về kết nối hạ tầng giao thông, lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường bộ đến cảng CMIT hiện chỉ chiếm khoảng 15%. Phần lớn, gần 90% hàng hóa phải trung chuyển bằng sà lan, khiến doanh nghiệp cảng phải dành tới 40% công suất để phục vụ hoạt động xếp dỡ. Việc phụ thuộc vào vận tải đường thủy không chỉ kéo dài thời gian luân chuyển hàng hóa mà còn làm tăng chi phí vận hành.

Theo các chuyên gia, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đưa vào khai thác, khả năng lưu thông hàng hóa qua cảng CMIT sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ thống trung chuyển bằng sà lan mà còn cho phép các doanh nghiệp cảng biển tối ưu hóa công suất khai thác.

Bà Bernadette Chan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), nhận định: "Một mạng lưới giao thông đồng bộ sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí logistics, nâng cao hiệu quả vận chuyển và đảm bảo sự kết nối linh hoạt giữa các phương thức vận tải, giúp tối ưu luồng hàng qua cụm cảng nước sâu".

Ngoài cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành cũng đang trong quá trình xây dựng với mục tiêu phục vụ tới 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Không chỉ là một trung tâm vận tải hàng không quan trọng, Long Thành còn được quy hoạch để trở thành một đô thị sân bay hiện đại. Khu vực xung quanh sân bay sẽ phát triển thành một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp logistics hiện đại đến đầu tư. 

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, sự phát triển của hệ thống hạ tầng hiện đại sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp logistics hàng đầu tập trung đầu tư tại khu vực này. “Nhờ vào chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện cùng với chi phí hợp lý, các giải pháp tự động hóa tiên tiến nhất sẽ được áp dụng giúp luân chuyển hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh.

Hiện nay, Đông Nam Bộ là trung tâm logistics sôi động với khoảng 15.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Khi các rào cản về hạ tầng dần được tháo gỡ, hệ thống giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi và trung tâm logistics đang được mở rộng với quy mô lớn, hình thành mạng lưới liên kết rộng khắp. Với tốc độ phát triển như hiện tại, ngành logistics được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một trong những lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định nhất trong thời gian tới.

Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/hang-loat-du-an-trong-diem-giup-giam-chi-phi-logistics-20250131105500007.htm 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS