Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không toàn cầu sẽ chào đón 5,2 tỷ lượt hành khách vào năm 2025, tăng 6,7% so với năm 2024. Doanh thu toàn ngành được kỳ vọng đạt mức kỷ lục 1.007 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD, nhờ vào sự giảm giá của dầu và nhiên liệu hàng không.
Mặc dù chuỗi cung ứng vẫn đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là từ các vấn đề sản xuất kéo dài của Boeing và Airbus, ngành hàng không vẫn đang trên đà đạt những cột mốc lịch sử về hành khách và doanh thu.
IATA dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận ròng 36,6 tỷ USD vào năm 2025, tăng so với mức 31,5 tỷ USD dự kiến trong năm 2024. Dù phải đối mặt với những thách thức lớn như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, các quy định phức tạp và gánh nặng thuế ngày càng tăng, ngành hàng không vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan.
Tổng Giám đốc IATA, ông Willie Walsh đã chỉ trích mạnh mẽ các nhà sản xuất động cơ và máy bay vì không thực hiện đúng cam kết. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ gia tăng áp lực để buộc các nhà cung cấp chính phải cải thiện hiệu quả hoạt động của họ.”
Theo IATA, trong năm 2024, chỉ 1.254 máy bay được bàn giao cho các hãng hàng không, thấp hơn 30% so với kế hoạch. Hiện còn tồn đọng khoảng 17.000 máy bay chưa được bàn giao. Tình trạng chậm trễ này buộc các hãng hàng không phải tiếp tục sử dụng các dòng máy bay cũ, kém hiệu quả, ảnh hưởng đáng kể đến các nỗ lực cắt giảm phát thải carbon.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không, buộc họ phải cân đối giữa doanh thu, chi phí và yếu tố môi trường,” ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, nhấn mạnh trong một thông báo.
Hoạt động sản xuất máy bay của Boeing tại Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm nay sau cuộc đình công kéo dài gần hai tháng của công nhân. Trong khi đó, Airbus cũng buộc phải hạ mục tiêu sản xuất từ 800 xuống 770 máy bay vào tháng 6, do những khó khăn từ chuỗi cung ứng. Theo IATA, khoảng 700 máy bay, tương đương 2% tổng số máy bay trên thế giới, hiện đang phải “nằm chờ” để kiểm tra động cơ.
Ngoài ra, các hãng hàng không vẫn chịu tác động từ chi phí nhiên liệu tăng cao, một hệ quả từ cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022. Dù vậy, IATA kỳ vọng gánh nặng này sẽ giảm trong năm 2025, khi chi phí nhiên liệu máy bay trung bình dự kiến ở mức 87 USD/thùng, thấp hơn mức 99 USD của năm 2024. Sự sụt giảm giá dầu và nhiên liệu được xem là yếu tố then chốt giúp ngành hàng không tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo các chuyên gia, ngành hàng không toàn cầu từng chịu mức lỗ kỷ lục 140 tỷ USD trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh chóng đã diễn ra nhờ nhu cầu đi lại tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Tổng Giám đốc IATA thừa nhận rằng ngành hàng không vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng và gánh nặng thuế ngày càng lớn. Dù vậy, ông bày tỏ sự lạc quan trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhấn mạnh rằng các chính sách trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã tạo động lực tích cực cho sự phát triển của ngành hàng không.
Source: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/doanh-thu-nganh-hang-khong-toan-cau-du-kien-vuot-1000-ty-usd-nam-2025-686225.html
𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬