Doanh nghiệp đề xuất nhiều vấn đề với cơ quan Hải quan

09.10.2024

Mặc dù tình hình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đã có dấu hiệu phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro khó lường trước. Chính vì vậy, các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan Hải quan cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất ổn, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Tiếp tục cải thiện từ cả phía nhà nước và doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh sự phục hồi tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của ngành Hải quan. Những nỗ lực phải kể đến như giảm thiểu áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, phản ứng kịp thời trước những biến động của thị trường quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý.

Tuy vậy, bà Thủy cũng chỉ ra, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, cả ở quy mô toàn cầu lẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức. Xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước và đặt ra nhiều rào cản thương mại mới. Cùng với đó, các yêu cầu kỹ thuật mới như xu hướng "xanh hóa" trong thương mại quốc tế cũng làm tăng thêm áp lực. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục cải cách từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là nhiệm vụ cấp bách để đối phó với những thách thức của tình hình mới.

Đại diện Ban IV đã đưa ra một số nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan Hải quan. Trong đó có việc nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong quá trình thực thi các quy định. Hiện tại, việc áp dụng quy định kiểm tra hàng hóa giữa các cửa khẩu vẫn còn có sự khác biệt, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để khắc phục, cơ quan Hải quan có thể triển khai một hệ thống quản lý và đánh giá hiệu suất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo rằng cùng một loại hàng hóa sẽ được xử lý theo các quy trình thống nhất tại mọi cửa khẩu. Kết quả kiểm tra cũng cần được công khai trên một nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và so sánh các thủ tục giữa các địa điểm khác nhau.

Ngoài ra, nhiều dữ liệu hải quan hiện đang được quản lý rời rạc, gây khó khăn trong việc kiểm soát và theo dõi. Để tối ưu hóa quá trình này, cơ quan Hải quan có thể áp dụng công nghệ blockchain nhằm theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng của các lô hàng, từ khâu xuất xứ đến khi hàng hóa được thông quan. Hệ thống này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ hoặc chỉnh sửa thông tin, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa.

Cũng theo bà Thủy, các doanh nghiệp nhỏ hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và tuân thủ các quy định hải quan phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn từ phía cơ quan Hải quan. Một giải pháp có thể được đề xuất là thành lập các trung tâm hỗ trợ trực tuyến. Những trung tâm này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các vấn đề liên quan như thuế suất, thủ tục hải quan, và yêu cầu kiểm tra, giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra sau thông quan, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh việc đơn giản hóa và số hóa quy trình này. Một giải pháp có tính đột phá là triển khai hệ thống kiểm tra tự động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống sẽ tự động phân tích và đánh giá rủi ro của lô hàng dựa trên các dữ liệu đã được thu thập, chỉ yêu cầu kiểm tra bổ sung đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn. Nhờ đó, thời gian chờ đợi kết quả kiểm tra có thể được rút ngắn từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đại diện Ban IV cũng nhấn mạnh, bên cạnh các cải tiến về quy trình kiểm tra, doanh nghiệp còn đề xuất một số vấn đề quan trọng khác như nâng cao cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại, phát triển cơ sở hạ tầng logistics và tăng cường kết nối quốc tế. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.

Tăng cường hợp tác và đối thoại

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề nghị tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Cụ thể, họ gợi ý xây dựng các đầu mối liên lạc để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh và cập nhật kịp thời các văn bản mới về thủ tục hải quan. Qua đó, VLA có thể truyền tải thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp chính xác. Đồng thời đề xuất tiếp tục tổ chức các buổi hướng dẫn và đóng góp ý kiến về các dự thảo chính sách mới liên quan đến hoạt động logistics.

VLA kiến nghị cơ quan Hải quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách triển khai các chuyên đề liên quan đến thủ tục hải quan, phù hợp với từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nội dung như quy định pháp luật về xuất nhập khẩu tại chỗ, phân loại hàng hóa, xác định trị giá và xuất xứ cần được chú trọng. Ngoài ra, cần đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và chính xác các thông tin về quy định pháp luật mới, tình hình xuất nhập khẩu và xu hướng thương mại. Việc giải đáp kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, và các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan là rất cần thiết.

VLA cũng đề xuất cơ quan Hải quan tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc xây dựng các quy định pháp luật, quy trình và biểu mẫu phục vụ cho quá trình số hóa và chuyển đổi số. Bao gồm các quy định về cơ chế quản lý, thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu cũng như quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hàng hóa, cũng như kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu qua Cơ chế một cửa quốc gia cũng cần được triển khai hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-de-xuat-nhieu-van-de-voi-co-quan-hai-quan-190102.html 

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS