“Đại bàng” đến Việt Nam rồi đầu tư vào nước khác: Có dự án chưa thể công bố

07.05.2024

Không cần quá lo lắng khi thấy CEO của các tập đoàn lớn như NVIDIA hay Apple đến Việt Nam nhưng sau đó lại công bố các dự án đầu tư tại Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan. Hiện nay, có khoảng 13-14 dự án quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ tương lai đang được thảo luận tại Việt Nam. Một số trong đó dự kiến sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Dù đã có những cam kết đầu tư nhưng nhiều dự án vẫn chưa thể công bố chi tiết.

Không cần lo lắng

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) chia sẻ, Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều rất tích cực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, quyết định đầu tư vào đâu vẫn là quyền của các tập đoàn này.

Chủ tịch VAFIE tiết lộ, một dự án FDI công nghệ cao có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam là dự án của Intel tại TP.HCM. Dù vậy, vì một số lý do, họ đã quyết định tạm thời chưa mở rộng đầu tư tại Việt Nam mà chuyển nguồn vốn sang Malaysia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 13-14 dự án FDI trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm giữa Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán. Một số dự án trong số này có thể được triển khai ngay trong năm 2024.

Ông cho biết rằng khi các tập đoàn công nghệ lớn nhắm đến việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các công nghệ tương lai như VR, AI, IoT, big data ở Việt Nam, điều họ quan tâm nhiều nhất không phải là các ưu đãi đầu tư.

Thực tế, các ưu đãi về thuế, đất đai và hạ tầng chỉ đóng vai trò nhỏ. Các tập đoàn này mong muốn các thủ tục hành chính được rút ngắn. Đặc biệt là quá trình cấp phép kinh doanh, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án cần diễn ra nhanh chóng sau khi đã đạt được thỏa thuận đầu tư.

Hơn nữa, mỗi tập đoàn lớn lại có những yêu cầu riêng. Ví dụ, Samsung yêu cầu 18 điều kiện khi đầu tư vào Việt Nam. Và các doanh nghiệp nội địa muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung cũng phải đáp ứng đủ các yêu cầu này. Tương tự, khi Intel đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, họ đưa ra 28 yêu cầu cụ thể.

Một yếu tố quan trọng khác là quyền sở hữu trí tuệ. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đều rất coi trọng thương quyền và bản quyền. Họ luôn tìm cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Vì vậy, nếu Việt Nam không có những cải tiến cơ bản trong quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Và nếu tin tức về hàng giả, hàng nhái liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Phải đi bằng con đường riêng

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), Việt Nam có nhiều lợi thế quốc gia thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bao gồm sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Với việc ký kết 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó còn lợi thế về tài nguyên đất hiếm.

Ông Nguyễn Mại nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam không có những lợi thế cạnh tranh này so với các nước khác, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Trên thế giới, có hai quốc gia hiện nay được xem là có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ so với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ với thành phố Bangalore, được coi là Thung lũng Silicon của nước này, đang nắm giữ nhiều yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư công nghệ và các ngành công nghiệp tương lai.

Nhiều CEO nổi tiếng của các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft và Apple đều có gốc Ấn. Bên cạnh đó, nhiều chính trị gia hàng đầu ở Mỹ và Anh cũng xuất thân từ Ấn Độ. Đây cũng là yếu tố giúp Ấn Độ có lợi thế lớn trong việc kết nối và thu hút đầu tư quốc tế.

Chính phủ Ấn Độ cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các dự án đầu tư lớn bằng cách cung cấp các khoản ưu đãi tài chính từ 100 - 500 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI. Mặc dù Việt Nam cũng có các chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng không thể so sánh về quy mô với Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ có nguồn nhân lực dồi dào hơn so với Việt Nam, năng suất lao động tương đương nhưng chi phí lao động lại thấp hơn.

Đối với Indonesia, dân số nước này hiện gấp ba lần dân số Việt Nam. Tổng thống Indonesia cũng đã cam kết sẽ phê duyệt các dự án đầu tư lớn trong vòng 10 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn, Việt Nam cần phải tận dụng những lợi thế riêng của mình. Sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô vững chắc và giá trị đồng tiền ổn định. Việt Nam cần tìm con đường riêng, phát huy tối đa các yếu tố này để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn.

Ngoài các lợi thế về chính trị và kinh tế, Việt Nam hiện cũng là đối tác chiến lược toàn diện của nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Đây là một thành tựu mà không nhiều quốc gia có thể đạt được.

Mặc dù Việt Nam có thể không cạnh tranh được với các nước khác bằng các ưu đãi tài chính và thuế. Nhưng có thể sử dụng các lợi thế khác trong quá trình đàm phán với các tập đoàn lớn. Việt Nam cần biết cách đánh đổi các lợi thế này để thu hút đầu tư. Ví dụ, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cùng với vị thế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do có thể được tận dụng để bù đắp cho những hạn chế về mặt tài chính và ưu đãi thuế.

Đầu tư ở nước khác không có nghĩa là không đầu tư ở Việt Nam

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, trong thời gian qua, các CEO hàng đầu như Tim Cook của Apple và Jensen Huang của NVIDIA đã ghé thăm một số quốc gia châu Á để đánh giá tiềm năng đầu tư. Việt Nam là một trong những điểm đến mà họ đã lựa chọn.

Ông Hoài nhấn mạnh rằng việc NVIDIA đầu tư vào Indonesia, Đài Loan và một số quốc gia khác không có nghĩa là họ sẽ bỏ qua Việt Nam. Gần đây, NVIDIA đã công bố kế hoạch đầu tư vào trung tâm R&D tại Indonesia, nhưng đồng thời, đoàn công tác của NVIDIA do Phó Chủ tịch Tập đoàn dẫn đầu cũng đã tới Việt Nam. Họ đã gặp gỡ và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, và thăm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để thảo luận về các cơ hội hợp tác.

NVIDIA cũng đã hợp tác với FPT để xây dựng một nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI factory) trị giá 200 triệu USD tại Việt Nam.

Có thể thấy, từ Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đều đang nỗ lực quyết liệt để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đa quốc gia đến đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, sự hiện diện của các "ông lớn" công nghệ tại Việt Nam ngày càng tăng. Chẳng hạn, chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam đã đạt quy mô gần 20 tỷ USD, một con số mà không quốc gia ASEAN nào có thể cạnh tranh được.

Tại buổi họp báo chính phủ gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã khẳng định rằng việc nhà đầu tư nước ngoài đến thăm Việt Nam nhưng lại quyết định đầu tư ở nước khác là điều bình thường. Nguyên do cần được xem xét dựa trên nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra ba vấn đề chính cần lưu ý:

Thứ nhất, các yếu tố khách quan như diễn biến địa chính trị toàn cầu và khu vực, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và triển vọng tăng trưởng.

Thứ hai, chiến lược đầu tư của các tập đoàn và sự phù hợp của điểm đến với chiến lược đó, bao gồm khả năng triển khai dự án và các nguồn lực sẵn có.

Thứ ba, sự sẵn sàng của quốc gia nhận đầu tư, bao gồm thể chế chính sách, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Nguồn: https://sputniknews.vn/20240506/dai-bang-den-viet-nam-roi-dau-tu-vao-nuoc-khac-co-du-an-chua-the-cong-bo-29635584.html 

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS