Công nghệ tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua logistics

22.07.2024

Ngành logistics tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cũng không ngừng tìm kiếm cách áp dụng công nghệ để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự nhanh nhạy trong việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ giúp họ tận dụng cơ hội thị trường và duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhiều cơ hội phát triển

Logistics giữ vai trò then chốt trong chuỗi hoạt động từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến phân phối và tiêu dùng, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do và sở hữu lợi thế địa kinh tế đáng kể, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển và gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) năm 2023 của Việt Nam đạt 3,3 điểm, xếp hạng 43 trong số 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. Ngành logistics của Việt Nam cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ ấn tượng, đạt 14-16% mỗi năm, với quy mô ước tính khoảng 40-42 tỷ USD hàng năm. Chất lượng và số lượng dịch vụ logistics ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành logistics hiện chiếm từ 20-25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 12% hàng năm trong thời gian tới. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các công ty logistics tại Việt Nam.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel, thách thức đầu tiên là vấn đề pháp lý. Các chính sách và văn bản pháp luật trong ngành logistics chưa được chi tiết hóa và thống nhất, gây ra sự mơ hồ và xung đột trong quá trình thực thi. Hạ tầng giao thông và logistics cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống vận chuyển đa phương thức cần thiết, làm hạn chế khả năng trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức vận tải.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics còn gặp khó khăn về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực và thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Những yếu tố này gây ra khó khăn trong việc cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cũng là một thách thức lớn. Mặc dù lao động trong các doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ lệ từ 93-95%, nhưng đa số thiếu chuyên môn và không được đào tạo bài bản, chỉ tham gia ở mức độ các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, quản lý kho và xử lý vận đơn.

Tăng cường công nghệ, thiết bị hiện đại

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, các doanh nghiệp lớn đang ngày càng chú trọng vào việc mở rộng mạng lưới dịch vụ, hệ thống kho bãi, tiện ích và áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất giao hàng. Đặc biệt, đầu tư vào kho ngoại quan đang được các doanh nghiệp tập trung. Đây là một “mắt xích” quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt và nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của kho ngoại quan trong chuỗi hoạt động logistics, Bưu điện Việt Nam đã chú trọng vào việc ứng dụng khoa học công nghệ và tập trung nguồn lực để nâng cao công suất và chất lượng dịch vụ kho ngoại quan. Hiện nay, Bưu điện Việt Nam sở hữu hệ thống kho ngoại quan tại miền Bắc với tổng diện tích khoảng 73.000m2. Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty Logistics, một đơn vị thành viên của Bưu điện Việt Nam, chia sẻ: “Hệ thống kho ngoại quan với mô hình cung ứng VMI (Vendor Managed Inventory) mà chúng tôi đang triển khai phù hợp với nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là trong việc lưu trữ nguyên vật liệu và bán thành phẩm cho các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Bưu điện Việt Nam đã và đang là đối tác logistics cung cấp giải pháp kho ngoại quan toàn diện cho hàng chục doanh nghiệp trong các ngành thiết bị điện tử, may mặc, giày da. Trong quý 1 năm 2024, chúng tôi đã xử lý 1.571 tờ khai nhập khẩu vào kho ngoại quan, nhiều nhất trong số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê và vận hành kho ngoại quan.”

Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam đã trang bị hệ thống quản lý an ninh với mức kiểm soát cao nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an ninh tương đương với các cảng hàng không quốc tế. Hệ thống này bao gồm máy soi chiếu hồng ngoại, camera giám sát 24/24 bao quát toàn bộ kho, và kết nối dữ liệu trực tiếp với cơ quan Hải quan, đảm bảo việc thực hiện các nghiệp vụ chuyên ngành cũng như đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý. Kho ngoại quan tại Vĩnh Phúc của Bưu điện Việt Nam là kho đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận an ninh TAPA-A, tiêu chuẩn an ninh kho bãi hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam còn sở hữu nhiều lợi thế để phát triển các dịch vụ logistics với mạng lưới vận chuyển phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, bao gồm cả khu vực biên giới và hải đảo, cùng hàng chục nghìn tuyến phát. Điều này không chỉ giúp kết nối vận chuyển trong phạm vi nội địa mà còn mở rộng dịch vụ đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành logistics, với tầm quan trọng chiến lược, cần được đầu tư sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số. Sự đổi mới này sẽ giúp ngành logistics đáp ứng kịp thời những biến động của thị trường và hỗ trợ hiệu quả cho các ngành công nghiệp khác. Công nghệ tiên tiến không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện trải nghiệm khách hàng mà còn giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon và ô nhiễm do bao bì thải ra, nhờ vào việc tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và quản lý giao hàng thông qua trí tuệ nhân tạo. Những cải tiến này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ cho từng doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực đến toàn bộ ngành logistics, thương mại điện tử, và nền kinh tế quốc gia.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/cong-nghe-tang-suc-canh-tranh-trong-cuoc-dua-logistics-187908.html 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS