Cạnh tranh thị phần logistics: Doanh nghiệp nội yếu thế

13.10.2023

Trong thời gian gần đây, thị trường logistics Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI và có mức tăng trưởng dương hằng năm dù trải qua nhiều thách thức. 

“Con gà đẻ trứng vàng” 

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hiện tại có khoảng 3000 doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics nội địa, 25 tập đoàn giao nhận lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung đó là thủ tục vận chuyển hàng hóa tới đóng thuế, thanh toán. 

Chẳng hạn như tập đoàn FM Logistics (Pháp) mới đây đã khánh thành trung tâm phân phối FM Logistics tại Bắc Tân Uyên, Bình Dương với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, quy mô 20 000m2. Trung tâm mới của FM Logistics sẽ tập trung vào dịch vụ kho bãi, đóng gói, phân phối và thương mại điện tử.

SPX – Doanh nghiệp logistics đến từ Singapore mới khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại VSIP Bắc Ninh vào tháng 9/2023. Công suất xử lý hàng dự kiến của trung tâm này lên đến 2,5 triệu bưu kiện/ngày trong giai đoạn 1 và có thể đạt 5 triệu bưu kiện/ngày trong giai đoạn 2. 

Ngoài ra cũng có thể kể đến những dự án nổi bật trong năm 2022 như: Best Express với trung tâm phân loại hàng hóa trị giá 20 triệu USD tại Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh, SEA Logistics Partners với dự án SLP Park Xuyên Á tại Long An, Cainiao Network với trung tâm kho vận Cainiao P.A.T tại Long An có quy mô 110 000m2.

Một số khoản đầu tư khác đang được quan tâm tại Bình Dương như: A.P Moller Maersk với kế hoạch đầu tư trung tâm logistics, Warburg Pincus (Mỹ)  với dự án trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới.

Doanh nghiệp nội yếu thế trên sân nhà

Ngoài các dự án của các doanh nghiệp FDI, cũng cần phải kể đến những khoản đầu tư của doanh nghiệp nội địa như Transimex với kho lạnh tại Long An, có quy mô lên đến 29 000m2 và 2 dự án khác tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương

Tại miền Trung và miền Bắc, một số dự án nổi bật như: Thaco  với dự án chuỗi dịch vụ logistics tại Chu Lai, Quảng Nam; Tập đoàn T&T liên danh với YCH (Singapore) về Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô 83ha.

Nhìn chung, doanh nghiệp trong nước đã tập trung đầu tư vào hạ tầng logistics nhưng khoảng cách với các doanh nghiệp FDI vẫn còn khá xa. Lý do cho sự khác biệt này nằm ở thế mạnh tài chính, công nghệ và năng lực quản trị của các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp nội địa phần lớn có quy mô vừa và nhỏ.

Theo bà Phạm Thị Bích HUệ - Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group nhận định rằng: Doanh nghiệp nội địa còn gặp bất lợi về điểm nghẽn quy hoạch không theo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chi phí logistics cao và hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

“Hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác chi phí vận tải chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng chi phí logistics. Trong khi đó, chúng ta đang quá tập trung vào các vùng hạ tầng trọng điểm nhưng quên mất sự định hướng phát triển hạ tầng cơ bản. Mặt khác, để quản lý ngành logistics không phải là dễ dàng bởi đây là ngành có sự thay đổi theo từng ngày, từng tháng, từng quý… Đôi khi luật hóa cho ngành sẽ khó để chạy theo, song ít nhất cũng nên có sự đáp ứng tương đối với sự thay đổi của ngành logistics”, bà Phạm Thị Bích Huệ chia sẻ.

Theo quan điểm của bà Phạm Thị Bích Huệ, việc định danh lại ngành logistics là cần thiết bởi bản chất của từ “logistics” đang quá rộng, bao gồm nhiều ngành nghề, lĩnh vực về cả hạ tầng, dịch vụ, con người,…Việc luật hóa, cụ thể hóa ngành logistics sẽ giúp hành lang pháp lý minh bạch, sự yên tâm của doanh nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. 

Có một số ý kiến khác cho rằng Việt Nam cần tập trung vào các cảng biển loại 2, 3 như tại Quảng Bình, Long An, Phú Yên, Quảng Nam…Những địa phương này đều ghi nhận sự tăng trưởng mới. Nhưng các hãng tàu quốc tế mặc dù có nhu cầu nhưng không muốn đến những khu vực này, lý do được đưa ra là: cơ sở hạ tầng chưa đủ làm phát sinh chi phí vận tải đường bộ cao. Vì thế, các cảng loại 2, 3 là những lựa chọn trong thời gian tới. 

Nguồn: https://cafef.vn/canh-tranh-thi-phan-logistics-doanh-nghiep-noi-yeu-the-188231010133702101.chn

Đọc thêm: Bản tin logistics hàng không số 30 (Mới nhất)

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS