88% lãnh đạo doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ để tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng

15.03.2024

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã trở thành đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành kho bãi và logistics tại Việt Nam. Để đứng vững trước áp lực cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng, các doanh nghiệp cần phải quyết liệt áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như robot, tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực.

Báo cáo “Nghiên cứu toàn cầu về ngành kho hàng năm 2023” do Zebra Technologies công bố vào ngày 13 tháng 3 năm 2023 cho thấy 58% quản lý kho bãi dự định sẽ triển khai công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) trước năm 2028. Việc này sẽ nâng cao khả năng theo dõi và quản lý hàng hóa trong kho, đồng thời giảm thiểu tình trạng thiếu hụt sản phẩm.

Ngoài ra, 73% các nhà ra quyết định toàn cầu và 69% ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho bãi. Đặc biệt, có tới 88% các nhà quản lý ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kỳ vọng sẽ áp dụng công nghệ để cải thiện khả năng nhìn nhận và quản lý chuỗi cung ứng trong vòng 5 năm tới.

Ngành kho hàng Việt Nam sẽ tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2024 - 2032 

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bán lẻ, dịch vụ kho bãi đến sản xuất. Trong số đó, ngành logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng tại Việt Nam, giúp cho việc vận chuyển và phân phối hàng hóa diễn ra suôn sẻ.

Theo ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và các kênh tại khu vực APEC thuộc Zebra Technologies, ngành dịch vụ kho bãi ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng, với dự báo tăng trưởng lên đến 11% trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2032.

Ông cũng giải thích rằng, sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt doanh số 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Một yếu tố quan trọng khác giúp thúc đẩy sự phát triển này là lợi thế về dân số trẻ và sự nhanh nhạy trong việc tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới. 

Đây chính là những nhân tố chủ chốt thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành kho hàng tại Việt Nam với một tương lai đầy hứa hẹn. Các chuyên gia cũng phân tích thêm, nhu cầu của khách hàng trong việc mua hàng ngày càng khắt khe, đòi hỏi kho hành cần phải giao hàng nhanh chóng, xử lý chính xác, hiệu quả và an toàn. 

Chính vì thế, việc áp dụng công nghệ tiên tiến là cực kỳ cần thiết và công nghệ sẽ trở thành nền tảng không thể thiếu cho hoạt động của mọi kho hàng. Từ việc phụ thuộc vào sức lao động con người để tìm kiếm và quản lý hàng hóa, ngày nay, việc sử dụng máy móc, robot, tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý tồn kho theo thời gian thực sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí. 

Các doanh nghiệp đã và đang tăng cường đầu tư vào công nghệ mới, với khoản đầu tư trung bình khoảng 5,15 triệu USD từ năm 2023 đến 2024.

Hiện tại, không có nhiều kho mới được xây dựng trong năm 2023 mà các doanh nghiệp đang chú trọng vào hiện đại hóa và tối ưu hóa không gian sẵn có. Dự kiến đến năm 2028, thị trường kho hàng sẽ mở rộng thêm 19% về diện tích và số lượng kho hàng tăng 39%.

Riêng tại Việt Nam, ngành logistics đã có sự tăng trưởng ấn tượng 15% trong năm 2022, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhờ hỗ trợ từ công nghệ, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), dự báo thị trường logistics tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 65 tỷ USD vào năm 2029, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,3%.

Ứng dụng công nghệ tự động hóa, kiểm soát hàng tồn kho theo thời gian thực 

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ngày càng chú trọng vào cập nhật, áp dụng công nghệ để hiện đại hóa quy trình làm việc của mình, hiện đã có khoảng 40% doanh nghiệp tích hợp dịch vụ số vào hoạt động quản lý và vận hành kho hàng hàng ngày.

Bởi lẽ trong kỷ nguyên thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc xử lý và giao đơn hàng hoàn hảo trở thành yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, có một số khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp là đảm bảo độ chính xác trong quá trình xử lý, quản lý hàng tồn kho và giải quyết vấn đề hàng hoàn. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn các nhà quản lý (76% toàn cầu và 75% tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) đang cảm thấy áp lực phải nâng cao hiệu suất làm việc để đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của thương mại điện tử từ người tiêu dùng. Thêm vào đó, 80% số người lao động và quản lý chia sẻ rằng thông tin hàng hóa trong kho, tình trạng hàng tồn không chính xác là trở ngại ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.

Cả nhân viên cửa hàng (82% trên toàn thế giới và 79% ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) lẫn nhà quản lý (76% toàn cầu và 79% ở APAC) đều đưa ra ý kiến là cần những công cụ quản lý kho hàng hiệu quả hơn để cung cấp thông tin chính xác về tình trạng của hàng hóa trong kho. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vào năm 2024, khoảng 70% các nhà ra quyết định đã thực hiện hoặc có kế hoạch tự động hóa quy trình làm việc. Mục tiêu là để hỗ trợ nhân viên kho hàng, giúp họ chuyển sang thực hiện các công việc mang lại giá trị cao hơn và tập trung hơn vào khách hàng.

Hơn nửa số nhà quản lý tin tưởng rằng việc tự động hóa sẽ tăng hiệu quả và năng suất lao động bằng cách giảm bớt công việc lấy hàng một cách thủ công, sai sót trong đơn hàng và thời gian cần thiết để xử lý các đơn hàng. Đồng thời, khoảng 80% nhân viên kho hàng trên toàn thế giới (81%) và ở APAC (78%) cảm thấy rằng việc tăng cường sử dụng công nghệ và tự động hóa sẽ giúp họ đạt được hoặc vượt qua các mục tiêu năng suất đã đề ra.

Việc áp dụng tự động hóa và robot vào quy trình làm việc đang giúp giảm bớt gánh nặng cho nhân viên, tạo cơ hội cho họ tham gia vào các công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo và tư duy cao hơn. Công nghệ mới, bao gồm robot và các giải pháp kho hàng tiên tiến, đang dần trở thành xu hướng của tương lai, không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc mà còn hỗ trợ trong việc thu hút và giữ chân nhân viên. Sự phối hợp một cách hài hòa giữa con người và máy móc mang lại lợi ích to lớn cho lĩnh vực logistics, đồng thời còn hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

73% các nhà lãnh đạo trong ngành kho bãi trên toàn thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng chấp nhận và tích hợp công nghệ mới, bao gồm tự động hóa. Họ đang mở rộng việc sử dụng các công nghệ cảm biến trong kho, với số lượng thiết bị gần như tăng gấp đôi.

Ngoài ra, các thiết bị di động, máy quét mã vạch công nghiệp cố định, máy in và các giải pháp RFID đang được nhanh chóng triển khai và áp dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của ngành. Sự tăng trưởng vượt bậc từ 30% lên 67% trong việc sử dụng các thiết bị công nghiệp cho thấy sự thay đổi lớn trong ngành.

Chuyên gia từ Zebra Technologies đưa ra lời khuyên trong tình hình hiện tại, để ứng phó với sự không chắc chắn và biến động của thị trường cũng như chuỗi cung ứng, các lãnh đạo kho hàng cần phải tìm kiếm sự cân bằng giữa kỹ năng của con người và sự hỗ trợ từ tự động hóa. 

Nguồn: https://vneconomy.vn/88-lanh-dao-doanh-nghiep-se-su-dung-cong-nghe-de-tang-kha-nang-hien-thi-chuoi-cung-ung.htm 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  
Email: contact@als.com.vn
Hotline: 1900 3133
Website: https://als.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/als.com.vn

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS