5 định hướng hoạt động Xuất nhập khẩu năm 2025

16.01.2025

Ngày 26/12, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì hội nghị, đánh giá cao những kết quả mà Cục đã đạt được trong năm qua.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và phát huy những thành tựu hiện có. Đồng thời đề xuất 5 định hướng trọng tâm cho hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2025. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các phòng, ban trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu và nhiều đơn vị liên quan.

Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, đánh dấu nhiều thành tựu mới

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những bước tiến vượt bậc nhờ nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau những thách thức từ năm 2023, khẳng định vai trò quan trọng của xuất nhập khẩu trong tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu dự tính từ liên Bộ, tổng giá trị thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8%, và nhập khẩu đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng với sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường lớn. Kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN, EU, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hoa Kỳ đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, khi xuất khẩu sang các khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Một thành tựu nổi bật khác là cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, ước tính đạt 24,1 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước cũng có sự phục hồi mạnh mẽ, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, xuất khẩu Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Việc phụ thuộc nhiều vào một số thị trường trọng điểm khiến rủi ro gia tăng, đặc biệt khi các quốc gia này thay đổi chính sách hoặc chịu tác động từ biến động kinh tế toàn cầu. Cần có chiến lược đa dạng hóa thị trường để duy trì sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Nhằm tận dụng các cơ hội từ xu hướng kinh tế toàn cầu và giảm thiểu tác động của những bất lợi, Cục Xuất nhập khẩu đã đặt ra các mục tiêu phấn đấu cho năm 2025. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trên 10-12% so với năm 2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Cục cũng đặt mục tiêu duy trì cán cân thương mại xuất siêu, với mức dự kiến trên 20 tỷ USD

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Cục Xuất nhập khẩu xác định 10 nhiệm vụ chính cần tập trung triển khai trong năm 2025 như sau (1) Theo dõi sát sao và đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch đã đăng ký. (2) Thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý. (3) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tham mưu và báo cáo lãnh đạo về việc điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. (4) Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và đưa ra cảnh báo kịp thời đối với các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm. (5) Thu thập và phân tích thông tin về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. (6) Hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp lý và hướng dẫn thực thi cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết, cũng như các Hiệp định đang và sẽ được đàm phán. (7) Giám sát và đôn đốc việc thực hiện các Chương trình hành động liên quan đến các Chiến lược đã được phê duyệt. (8) Phối hợp với các địa phương để thúc đẩy chuyển đổi hoạt động thương mại biên giới sang thương mại chính ngạch, tạo điều kiện phát triển bền vững. (9) Hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với các rào cản thương mại mới tại các thị trường xuất khẩu, giúp họ vượt qua những thách thức này. (10) Tăng cường phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa và ngăn chặn việc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại Hội nghị, đại diện từ các Phòng chuyên môn và Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực đã báo cáo kết quả nổi bật của năm 2024. Đồng thời chỉ ra những khó khăn phát sinh từ sự biến động khó lường của thị trường toàn cầu. Trên cơ sở đó, nhiều kiến nghị và giải pháp đã được đề xuất nhằm giúp Cục Xuất nhập khẩu triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới. 

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị như Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Cục Phòng vệ thương mại… đã đưa ra những ý kiến đóng góp quan trọng về công tác phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu trong năm 2024.

Các đại diện khẳng định cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Cục Xuất nhập khẩu trong năm 2025, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu như quản lý xuất khẩu gạo, điều hành nhập khẩu các mặt hàng thuộc hạn ngạch thuế quan (muối, trứng gia cầm, nguyên liệu sản xuất thuốc), tăng cường giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), và ngăn chặn gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển hệ thống logistics và cải thiện quản lý thương mại biên giới, nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

5 định hướng trọng tâm thời gian tới

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao những thành tựu mà Cục Xuất nhập khẩu đã đạt được trong năm 2024. Ông khẳng định Cục đã thực hiện tốt vai trò kép, vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các cơ quan trong ngành, liên ngành và cộng đồng doanh nghiệp, địa phương.

Thứ trưởng cũng bày tỏ sự trân trọng đối với các ý kiến đóng góp sâu sắc, mang tính trọng tâm từ các đại biểu tham dự. Ông đề nghị Cục Xuất nhập khẩu nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện và đổi mới trong công tác năm 2025, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra và tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đưa ra các định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu trong năm tới. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất, Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo mô hình B2B và B2C để mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường.

Thứ hai, nâng cao cơ chế kiểm soát rủi ro, cải thiện chất lượng kiểm tra và giám sát hàng hóa thông qua các cơ chế kiểm soát rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ ba, hỗ trợ mở rộng sản xuất và hợp tác chuỗi cung ứng, thúc đẩy doanh nghiệp và địa phương mở rộng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa. Tăng cường hợp tác trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng xuyên biên giới để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, liên thông và minh bạch thông tin, dữ liệu, tạo nền tảng liên kết thông tin, dữ liệu giữa các phòng, ban và cơ quan liên quan trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. 

Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng và vai trò của Đoàn Thanh niên, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng Đảng, chú trọng phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc nâng cao giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức.

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/5-dinh-huong-hoat-dong-xuat-nhap-khau-nam-2025.html

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS