Trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lĩnh vực logistics chịu tác động rất lớn, khi mà nhu cầu vận chuyển tăng cao nhưng lại có rất nhiều rào cản đã làm giới hạn về năng lực vận chuyển. Trong lĩnh vực logistics hàng không, xu hướng ứng dụng công nghệ được ghi nhận thông qua các báo cáo như Sách trắng về cơ sở vận tải hàng hóa trong tương lai của IATA hoặc Giải thưởng cho đổi mới trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không, có thể tóm tắt một số ứng dụng cụ thể như sau:
Chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người, để tái cấu trúc cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chuyển đổi số có nền tảng từ số hóa cơ sở dữ liệu, số hóa qui trình. Đồng thời trên cơ sở vận dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để tiến hành xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu đã được số hóa, từ đó cho phép người dùng truy cập, trải nghiệm sản phẩm, quy trình,… nhằm hướng tới tối ưu hóa hoạt động.
- Tại Đức, các doanh nghiệp đã hoàn thành thiết lập một nền tảng số hóa. Với sự tham gia của 7 hãng vận tải gồm Etihad Cargo, Nippon Cargo, El Al Cargo, Finnair Cargo, Lufthansa Cargo, AirBridge Cargo và CargoLogicAir, nền tảng này cho phép các hãng hàng không và các nhà vận tải, doanh nghiệp giao nhận được chủ động lựa chọn, booking trên các tàu bay chở hàng, tiến tới trải nghiệm thực tế, tối ưu quá trình, tối ưu sản phẩm logistics hàng không.
- Tại Anh, hệ thống quản lý vận tải hàng hóa hàng không Hermes đã phát triển phiên bản thứ 5, trên nền tảng công nghệ đám mây, cho phép cải thiện quy trình quản lý dịch vụ, thực hiện nghiệp vụ kế toán doanh thu, tự động hóa quy trình, tránh lỗi dịch vụ trong các hoạt động tại sân bay, giúp khách hàng xử lý các tình huống phát sinh ngay trên hệ thống.
Triển khai và đưa vào sử dụng các robot trong vận hành, khai thác hoạt động logistics tại sân bay cũng là một xu hướng rõ ràng trong vài năm trở lại đây. Chẳng hạn như:
- Trong công tác soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không sân bay, người ta sử dụng những máy soi chiếu công suất lớn, cho phép soi chiếu toàn bộ lô hàng, đồng thời kết nối hệ thống màn hình kiểm soát an ninh và hệ thống thông tin hàng hóa, cho phép kiểm tra đối chiếu hoàn toàn tự động, mà không cần sự can thiệp của con người. Hiệu suất hoạt động được nâng cao đáng kể, và cũng giảm thiểu các rủi ro vận hành do con người gây ra.
- Các robot được sử dụng trong công tác làm hàng đối với hàng nguy hiểm, hàng dễ vỡ, hàng quá khổ quá tải hoặc xử lý hàng hóa chất nguy hiểm khi gặp sự cố,… Bên cạnh đó, ý tưởng sử dụng xe tự hành trong khu bay, thiết bị bay không người lái (drone) trong quản lý kho hàng, robot tự động trong di chuyển hàng trong kho,… cũng đang được một số sân bay triển khai.
- Công nghệ tự động còn được sử dụng trong hệ thống phân loại hàng hóa có tích hợp với hệ thống giá kệ trong kho hàng không, việc này cho phép phân khu hàng hóa, quản lý vị trí lô hàng.
Với những ứng dụng về tự động hóa và robot trong vận hành, các doanh nghiệp logistics đang ngày càng tối ưu hóa quá trình hoạt động, đáp ứng yêu cầu về mức độ chính xác cao, thời gian thực hiện được rút ngắn, an toàn cho hàng hóa.
3. Ứng dụng công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng mặt trời trong xây dựng hệ thống logistics xanh
Một trong những giải thưởng về đổi mới trong logistics hàng không đó là sử dụng ULD thông minh (ULD - Unit Load Devices - thiết bị chất tải sử dụng trong hàng không). Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không thường là hàng giá trị cao, nhạy cảm với điều kiện vận chuyển như nhiệt độ, độ ẩm. ULD thông minh được cải tiến bằng cách gắn thêm thiết bị cảm ứng có kết nối với hệ thống quản lý vào ULD thông thường. Từ đó, thiết bị cho phép ghi nhận thông tin về điều kiện của hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa từ khi được đóng vào ULD, chuyển tới sân bay, thực hiện vận chuyển trên đường bộ hay đường không, ở trong kho hay trên sân đỗ tàu bay, sẽ luôn được theo dõi về tình trạng lô hàng, gồm cả nhiệt độ và độ ẩm. ULD thông minh không chỉ cho phép kiểm tra vị trí lô hàng, mà còn cho biết tình trạng hàng, từ đó người dùng có thể đưa ra giải pháp xử lý thích hợp nếu có vấn đề phát sinh.
ULD thông minh được coi là một đổi mới quan trọng trong logistics hàng không, khi nhu cầu vận chuyển đối với hàng hóa nhạy cảm như vaccin, đồ tươi sống, hoa,… ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc ứng dụng ULD thông minh đòi hỏi chi phí tăng thêm. Vì vậy, ý tưởng để khắc phục hạn chế này là sử dụng tấm năng lượng mặt trời gắn vào ULD. Giải pháp này sẽ sử dụng năng lượng của mặt trời trong quá trình theo dõi hoạt động của ULD. Đây cũng được coi là một ứng dụng hướng thân thiện môi trường, hướng đến xây dựng chuỗi logistics xanh theo xu hướng hiện nay.
Nguồn: Tapchitaichinh