Không còn là những chiếc xe tải lù đù, những kho chứa hàng thô sơ, những đoàn tàu biển cũ kỹ, lạc hậu nữa… mà giờ đây hệ sinh thái cho ngành logistics Việt Nam đã trở nên hiện đại.
Hạ tầng được nâng cấp, phần mềm quản lý hàng lưu kho, rời kho áp dụng công nghệ 4.0… ngành logistics Việt Nam được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao trong những năm tới.
Là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh, đạt khoảng 14% – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm.
Có tới hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report vào tháng 12/2018 cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên hai con số trong năm 2019.
Đòn bẩy từ các cơ hội
Theo Bộ Công Thương, sự phát triển của ngành vận tải và logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Bởi Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics.
Đó là, trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do, mở ra cánh cửa giao thương ngày càng rộng lớn cho Việt Nam. Cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… đang không ngừng được cải thiện.
Hơn nữa, Bộ Công Thương nhận định, quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam nhỏ (khoảng 2 – 4% GDP) nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20 – 25% năm). Thị trường logistics của Việt Nam tăng theo nhu cầu thương mại, gồm thương mại nội địa và xuất nhập khẩu. Ngoài ra, sự gia tăng thuê ngoài logistics cũng góp phần vào sự phát triển của ngành.
Cùng với đó là sự tăng trưởng khá cao của ngành bán lẻ Việt Nam; là quốc gia có mật độ dân số đông, dân số trẻ, mức độ đô thị hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động cao và khả năng tiếp cận, mua sắm trực tuyến.
Ngoài ra, nhu cầu lưu chuyển hàng hóa phục vụ người tiêu dùng cũng ngày càng gia tăng; thương mại điện tử phát triển làm gia tăng nhu cầu về dịch vụ giao nhận; xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua… Đây là những yếu tố rất quan trọng thúc đẩy ngành vận tải và dịch vụ logistics phát triển.
Hệ sinh thái logistics khởi sắc
Có thể nói, trước xu thế phát triển, các trụ cột như hạ tầng, kho bãi… cho dịch vụ logistics cũng không ngừng lớn mạnh. Báo cáo Logistics 2019 của Bộ Công Thương chỉ rõ, dịch vụ kho bãi cũng gia tăng nhanh chóng nhờ các ngành sản xuất phát triển và người dân tăng chi tiêu tiêu dùng.
Theo đó, giá thuê nhà kho cũng được kỳ vọng sẽ tăng trong các năm tới từ 1,5% đến 4% mỗi năm, kéo theo tỷ lệ kho trống giảm. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, theo nghiên cứu của CBRE, thị trường kho bãi sẽ tập trung tại xung quanh Thủ đô Hà Nội và các tỉnh ven biển bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh. Các khu vực này tập trung dân số đông đúc nhất khu vực, đây là các khách hàng tiềm năng và là nguồn nhân lực dồi dào.
Thống kê năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Hầu hết các cảng đầu mối khu vực: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp.HCM… đã được nâng cấp có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT. Ở khu vực miền Trung, khối cảng biển cũng đang trên đà “khởi sắc”, nhất là cảng Đà Nẵng.
Đội tàu biển Việt Nam cũng có lực lượng “hùng hậu”. Tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu với tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới.
Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam hiện là 15,6, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng phát triển theo hướng chuyên dụng hóa; đặc biệt, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt từ 19 tàu trong (năm 2013) lên 39 tàu (năm 2019).
“Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như hàng lỏng (LPG), xi măng rời…
Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển nước ta đang đảm nhận vận chuyển khoảng 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu”, báo cáo cho hay.
Về hạ tầng đường bộ, tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam khoảng 180.000 km, trong đó có trên 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 24.866 km; tỉnh lộ 28.143 km; huyện lộ 57.033 km; ngoài ra đường đô thị trên 27.500 km, còn lại là đường xã trên 159.000 km.
Chất lượng đường đã được xây mới, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên. Với vị trí cửa ngõ kết nối giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc, một trong 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Quảng Ninh đang tích cực xây dựng mới, nâng cấp hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, nhằm tạo nên cánh cửa liên kết vùng mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về vận tải đường thủy nội địa, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2019, có tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hàng hóa nội địa cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU (trừ Hà Lan). Ngân hàng thế giới cũng đánh giá vận tải đường thủy nội địa của Việt Nam đang hoạt động tốt với các dấu hiệu tăng trưởng và chuyển biến đáng khích lệ.
Tạo giá trị gia tăng từ các trung tâm logistics
Để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, nhiều trung tâm logistics đã được xây dựng và đưa vào sử dụng với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối…
Cuối năm 2018, đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành. Trong đó, miền Bắc có 2 trung tâm phân bố tại tỉnh Hưng Yên; miền Trung có 1 trung tâm tại Tp. Đà Nẵng; và miền Nam có 3 trung tâm tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Tổng diện tích các trung tâm khoảng 21,15 ha, trong đó lớn nhất là trên 5 ha và nhỏ nhất là 2 ha. Các trung tâm đa số đều là đa chức năng và phục vụ đa dạng mặt hàng, chỉ có trung tâm tại Long An chuyên về logistics phục vụ ngành ô tô.
Chẳng hạn, Trung tâm Logistics Thăng Long (Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên) khánh thành tháng 10/2018. Đây là Trung tâm logistics hiện đại, tích hợp đa chức năng đầu tiên với tổng diện tích gần 3 ha gồm hệ thống kho tổng hợp, kho đông lạnh và kho mát; hệ thống khung kệ chứa hàng 8 tầng, hệ thống kiểm soát độ ẩm, phần mềm quản lý hiện đại; hệ thống kho đạt chuẩn ISO, HACCP, CT-PAT và các tiêu chuẩn khác theo quy định; có thể phân phối, lưu trữ hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG), hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa nguyên vật liệu…
Hay Trung tâm phân phối phức hợp (ICD TC Sóng Thần và công ty ITL hợp tác kinh doanh và triển khai đầu tư) khánh thành tháng 3/2019 với tổng diện tích 50.000 m2. Trung tâm được xây dựng với thiết kế đạt tiêu chuẩn hiện đại, khu vực làm hàng thuận lợi, có hệ thống Dock Leveler, hệ thống giá kệ tiêu chuẩn, linh hoạt…
Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khánh thành tháng 6/2019, với diện tích đất 2,25 ha, tổng mức đầu tư 5,4 triệu USD, gồm các hạng mục: hệ thống kho tổng hợp, kho đông lạnh và kho mát… Đặc biệt dự án có 8 điểm tiếp nhận container đáp ứng đa dạng các nhu cầu hàng hóa của doanh nghiệp…
Đáng quan tâm, các doanh nghiệp logistics đang có những thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có những nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ cao như Blockchain vào hoạt động logistics.
Bên cạnh các trung tâm logistics hữu hình, hiện nay, với sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển của thương mại điện tử, từ cuối năm 2018, tại Việt Nam bắt đầu hình thành một mô hình mới là dropshipping.
Đây là một dạng mô hình kinh doanh cho phép cửa hàng trực tuyến vận hành mà không cần đến quy trình lưu trữ tồn kho, sở hữu sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến khách hàng.
Nguồn: Vetmedia.vn